Hồ sơ sức khỏe điện tử: Giúp người dân chủ động tiếp cận dịch vụ y tế

16/04/2019 08:31 AM



Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ rất hữu ích về phương diện quản lý sức khỏe và khám chữa bệnh. Trong ảnh: Các bác sĩ đọc phim chụp cột sống - Ảnh: YÊN LAN

Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT), loại hình quản lý sức khỏe cá nhân của thời cách mạng công nghệ 4.0, đã và đang trở thành hiện thực. Theo PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hy vọng đến nửa cuối năm 2019, mỗi người dân đều có HSSKĐT.

Theo Quyết định 831/QĐ-BYT của Bộ trưởng Y tế ngày 11/3/2017 về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mỗi người dân có một HSSK từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống HSSKĐT quốc gia. Trong HSSKĐT, mọi thông tin về tình hình sức khỏe, các chỉ báo về tăng trưởng, sinh lý, nhân trắc, tiền sử bệnh lý cá nhân, gia đình, lịch tiêm chủng, bệnh đã mắc, những bệnh mãn tính đang điều trị, những biến đổi do bệnh lý đều được thể hiện trong hồ sơ này.

Thông tin trong HSSKĐT sẽ rất hữu ích đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cả về phương diện quản lý sức khỏe và khám chữa bệnh. Người dân mỗi lần đi khám bệnh không cần phải mang theo các loại giấy tờ, cán bộ y tế chỉ cần gõ mã số thì các thông tin liên quan đều hiện ra, từ tình hình bệnh lý các lần khám trước, thuốc đã cho, kết quả xét nghiệm trước đây… giúp cho việc chẩn đoán, theo dõi bệnh lý của bệnh nhân dễ dàng hơn. HSSKĐT thực sự là một cuộc cách mạng trong quản lý sức khỏe nói chung, bệnh lý của từng người nói riêng, giúp cho nhà quản lý nắm bắt được tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn, tiết kiệm rất nhiều so với hình thức quản lý trước đây.

Bên cạnh đó, HSSKĐT giúp người dân biết được tình hình sức khỏe của cá nhân để họ chủ động tiếp cận với các dịch vụ y tế cần thiết, góp phần nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Khi bị bệnh, người bệnh đến các cơ sở y tế, bác sĩ chỉ cần nhập mã số HSSKĐT của bệnh nhân là biết được tiền sử bệnh lý, mắc bệnh lý gì, đã tiêm chủng đầy đủ hay chưa, bị bệnh nghề nghiệp gì… sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian khai thác bệnh sử, tập trung nhiều thời gian hơn cho chăm sóc và tư vấn. Tại các cơ sở điều trị, việc triển khai bệnh án điện tử đem lại nhiều lợi ích to lớn cho bệnh nhân, giảm được các loại giấy tờ không cần thiết, tiết kiệm được thời gian cho cán bộ y tế và bệnh nhân, hơn nữa liên thông được các tuyến điều trị phát huy được các dịch vụ kỹ thuật cao của tuyến trên áp dụng cho tuyến dưới qua hình thức y tế từ xa (telemedicine).

Hiện nay đã có nhiều tỉnh, thành thực hiện HSSKĐT. Hà Tĩnh, một địa phương có điều kiện tương tự như Phú Yên, đã lập HSSKĐT cho người dân. Đến nay, Hà Tĩnh đã có trên 83% dân số có HSSKĐT. Nhiều địa phương khác đang triển khai lập HSSKĐT cho người dân địa phương mình. Tại Phú Yên, Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân trình UBND tỉnh phê duyệt. Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành Y tế Phú Yên triển khai trên nhiều hoạt động, đem lại những kết quả đáng khích lệ, như ứng dụng hệ thống lấy số khám bệnh tự động đã làm giảm đáng kể thời gian chờ đợi khám bệnh của người dân; quản lý thuốc và trang thiết bị bằng hệ thống phần mềm; phối hợp chẩn đoán điều trị với tuyến trên qua đường truyền tốc độ cao…

Ngành Y tế Phú Yên đang xây dựng đề án Lập hồ sơ sức khỏe điện tử trình UBND tỉnh phê duyệt, trước mắt trong năm 2019 làm điểm ở một số địa phương, sau đó triển khai trên toàn tỉnh. Trong lĩnh vực lâm sàng, ngành đang hướng tới lập bệnh án điện tử ở các cơ sở khám chữa bệnh”. Đến năm 2020, việc lập HSSKĐT sẽ được triển khai trên toàn tỉnh và phấn đấu đến năm 2021, người dân được quản lý sức khỏe trên HSSKĐT.

Để lập được HSSKĐT có rất nhiều việc phải làm như tạo lập hệ thống phần mềm HSSKĐT; lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử theo mẫu quy định để đảm bảo tích hợp vào hệ thống dữ liệu chung của quốc gia; cập nhật, bổ sung thông tin về sức khỏe vào HSSKĐT cho người dân; tư vấn chăm sóc sức khỏe; tăng cường năng lực trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe người dân; tổ chức tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của HSSKĐT.

Để hoàn thành đúng như lộ trình đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh với ngành Y tế. Với những nỗ lực của ngành Y tế và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, chắc chắn trong một ngày không xa, người dân Phú Yên đều có HSSKĐT cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý sức khỏe và nâng cao sức khỏe cho từng người dân nói riêng, cộng đồng nói chung.

Theo baophuyen.com.vn