LĨNH BHXH MỘT LẦN: LỢI TRƯỚC MẮT, THIỆT LÂU DÀI
18/05/2018 08:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH cho người lao động là chính sách an sinh xã hội mang tính lâu dài, bền vững.
Người lao động cần hết sức thận trọng
Tại Đồng Nai, có trường hợp công nhân chấp nhận nghỉ sớm để nhận một lần với khoản tiền lớn mà không đợi nhận lương hưu. Chị Lê Thị Xuân (45 tuổi, làm việc cho một Cty tại KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) chia sẻ: Do muốn về quê với gia đình, tôi đã nhận rút bảo hiểm sớm và nhận một lần để có khoản tiền về quê kinh doanh, nhưng chưa kinh doanh được gì thì con ốm, toàn bộ số tiền nhận được đều để lo cho con cái, nên giờ ở quê tôi lại thành thất nghiệp, không có việc làm.
Trong khi đó, nhiều công nhân khác được tuyên truyền kỹ càng, nắm bắt được lợi và thiệt khi rút bảo hiểm một lần nên vẫn kiên trì đóng bảo hiểm đến khi về hưu để được hưởng.
Chị Bùi Thị Thu Thủy (quê Quảng Ngãi, 35 tuổi, làm việc tại Cty Taekwang Vina) cho biết: Đa phần bọn em là những người tỉnh lẻ vào thành phố tìm công việc làm ổn định để nuôi sống gia đình. Do đó, nhu cầu chính và quan trọng nhất vẫn là sự ổn định và có lương đều hằng tháng. Do đó, bọn em vẫn cố gắng làm việc, đóng bảo hiểm xã hội để đến khi về hưu vẫn nhận được khoản tiền lương hưu hằng tháng để tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.
Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) - cho biết: Thực tế ở Cty việc công nhân hưởng BHXH một lần hay đợi tới tuổi hưu cũng tùy từng trường hợp cụ thể và quyền quyết định ở công nhân, tuy nhiên dưới góc độ mong muốn bảo đảm quyền lợi cao nhất cho NLĐ thì chúng tôi vẫn tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động đóng tiếp tục để được hưởng tới khi về hưu.
Cty cũng không có chủ trương muốn công nhân rút bảo hiểm sớm, mà động viên công nhân tiếp tục lưu sổ đến làm việc ở nơi khác để tiếp tục đóng BHXH bảo đảm an sinh lâu dài. Mặc dù chính sách bảo hiểm hiện nay chưa phải là tối ưu và tốt hẳn nhưng dù sao việc hưởng một lần dẫn tới mối lo về sau.
Đối với giải pháp xem xét cho công nhân hưởng một lần thì chỉ cho công nhân hưởng phần của họ đóng, phần còn lại (tức là phần của doanh nghiệp đóng) thì giữ lại và đó vẫn là phần của công nhân nhưng chưa cho hưởng ngay khi họ nghỉ. Phần đó để khi họ có sự cố mất sức lao động, hết tuổi lao động thì mới được hưởng, đó cũng là giải pháp hay.
Vì họ hưởng phần họ trực tiếp đóng, phần doanh nghiệp đóng cho công nhân theo quy định của pháp luật, thì chưa cho hưởng ngay, để đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng trên tất cả, chúng tôi đều ủng hộ các giải pháp của Nhà nước, của Tổng LĐLĐVN để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cao nhất cho NLĐ, nhưng dưới góc độ đại diện cho NLĐ, chúng tôi cũng mong muốn phải có sự quản lý quỹ một cách hiệu quả, hợp lý, minh bạch để mọi người tin tưởng và sẵn sàng chờ đợi, nhiều năm cũng chờ đợi”.
Thực tế những năm gần đây có xuất hiện tâm lý mong muốn nhận bảo hiểm một lần. Điều này khiến số người nhận BHXH một lần gia tăng. Trước thực tế này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - cho rằng, người lao động cần hết sức thận trọng khi cân nhắc để hưởng BHXH một lần.
Đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, thực tế trong thời gian qua, bình quân hằng năm có trên 600.000 người nhận BHXH một lần và luôn có chiều hướng gia tăng, đồng nghĩa với việc có chừng đó người rời khỏi hệ thống và sẽ bị giảm hoặc không còn cơ hội được hưởng lương hưu. Đây là một nghịch lý.
Người lao động cần ý thức rằng thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân. Vậy tại sao khi còn trẻ, còn khả năng lao động để tạo thu nhập thì lại phải sử dụng đến “của để dành” để khi về già không còn khả năng lao động tạo thu nhập thì lại trắng tay, trở thành gánh nặng không chỉ cho gia đình mà còn cho cả xã hội. Điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững của Đảng và Nhà nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu có một số nguyên nhân chính sau đây:
- Điều kiện để được hưởng BHXH một lần quá rộng rãi (chỉ cần nghỉ việc một năm không tiếp tục tham gia là được hưởng).
- Điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá dài (20 năm) đã làm nản lòng một bộ phận người lao động.
- Tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn còn nặng nề, chưa hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự đảm bảo an sinh khi về già, cùng với điều kiện về đời sống còn khó khăn nên mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin so sánh về lợi ích của việc tham gia BHXH với tham gia bảo hiểm nhân thọ, với gửi tiết kiệm và đưa ra nhận định rằng, đầu tư để tham gia BHXH là rất thiệt thòi so với hai loại hình trên. Điều này tác động rất lớn đến tâm lý người lao động.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng các giả định nêu trong ví dụ để so sánh là hoàn toàn không chính xác nhằm mục đích thu hút khách hàng. Chúng tôi đã đưa ra các phản biện hết sức khoa học để so sánh về quyền lợi giữa đầu tư để tham gia bảo hiểm thương mại, gửi tiết kiệm với đầu tư để tham gia BHXH tự nguyện; quyền lợi giữa nhận BHXH một lần với tích lũy để hưởng lương hưu kèm theo các bài toán đối chứng hết sức cụ thể.
Kết quả đều cho thấy quyền lợi khi đầu tư tham gia BHXH để hưởng lương hưu là vượt trội, thể hiện đúng bản chất nhân văn của chính sách. Đặc biệt khi so sánh giữa nhận BHXH một lần với tích lũy để hưởng lương hưu thì tổng quyền lợi khi nhận lương hưu cao gấp nhiều lần so với quyền lợi khi nhận BHXH một lần kể cả trong trường hợp số tiền BHXH một lần được đầu tư gửi tiết kiệm.
Lời khuyên của BHXH Việt Nam đối với những người đang có ý định nhận BHXH một lần là hãy dừng lại để hướng đến tương lai. Lương hưu (bao gồm cả BHYT) mới là “cứu cánh” cho cuộc sống khi về già dù mức lương có thể còn khiêm tốn.
Giải pháp cho vấn đề
Tại phiên thảo luận ở Hội nghị Trung ương 7 hôm 10.5, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, điều đó làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ. Tỉ lệ này hiện nay là một người đóng thì một người rút.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị: “Nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần”.
Đại diện BHXH Việt Nam cũng hoàn toàn ủng hộ quan điểm của đồng chí Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã nêu tại Hội nghị T.Ư 7. Đây là vấn đề đã được các nhà làm luật đặt ra khi Quốc hội xây dựng Nghị quyết số 93. Tuy nhiên, thời điểm đó có thể chưa phù hợp thực hiện. Thực tế, Luật BHXH năm 2014 đã có quy định một phần về vấn đề này nhưng chưa triệt để. Đó là, đối với người tham gia BHXH tự nguyện khi nhận BHXH một lần thì anh chỉ được nhận phần tiền đóng góp của anh, còn phần hỗ trợ của Nhà nước thì để lại trong quỹ (trừ trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng).
Người lao động vẫn đang nhận thức chưa đúng khi cho rằng số tiền đóng BHXH trong thời gian làm việc là của họ. Đối với BHXH bắt buộc, trong tổng số 22% quỹ lương đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì phần đóng góp của người lao động chỉ là 8%, 14% còn lại là phần đóng góp của doanh nghiệp mà số tiền này được tính để làm căn cứ trừ thuế, suy cho cùng cũng là tiền của Nhà nước.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần, cần có giải pháp tổng thể, căn cơ hơn. Chẳng hạn như rút ngắn điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện… để người lao động thấy được lợi ích thiết thực khi tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, chấp nhận một mức lương hưu (gồm cả BHYT) khiêm tốn còn hơn không có.
Các ý kiến về việc BHXH một lần
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: Ngành Bảo hiểm xã hội phải minh bạch số tiền người lao động đã đóng
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, số người rút BHXH một lần tiếp tục gia tăng nhanh. Bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Tức là 2 người tham gia vào BHXH thì 1 người rút ra khỏi hệ thống. Điều này dẫn tới tốc độ bao phủ BHXH hạn chế và về lâu dài ảnh hưởng vấn đề an sinh xã hội.
Nếu áp dụng đề xuất này, người lao động sẽ phải cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng trước khi lấy BHXH một lần hay tiếp tục tham gia BHXH. Mặt khác, bản thân ngành BHXH cũng phải minh bạch rất rõ số tiền đóng bảo hiểm, bảo vệ an toàn, phát triển. Từ đó, người lao động được tạo niềm tin khi tham gia BHXH.
Tuy nhiên, chính sách BHXH phải tiếp tục tính toán hoàn thiện thêm. Nếu minh bạch được số thời gian đóng, quỹ được đóng, đầu tư đảm bảo an toàn phát triển của quỹ an toàn thì người lao động yên tâm hơn. Lúc này, họ tự nguyện tham gia BHXH.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Nếu hưởng BHXH một lần, người lao động sau này sẽ “bi đát”
Tôi đồng ý đề xuất của Tổng LĐLĐVN để giảm BHXH một lần. Tôi cho rằng bản chất an sinh xã hội lo cho tính chất lâu dài, đây là chế độ dự phòng. Chủ sử dụng lao động và Nhà nước đóng cho người lao động là chế độ dự phòng. Việc đóng này đảm bảo vấn đề an sinh xã hội lâu dài chứ không phải để người lao động rút ra.
Việc người lao động rút BHXH một lần đã trái pháp luật và không có tính chất lâu dài, dự phòng, đảm bảo cuộc sống tuổi già và không là gánh nặng của xã hội. Nếu hưởng BHXH một lần, người lao động rơi vào tình trạng “bi đát”, chuyển việc… thì Nhà nước lại có các chính sách khác hỗ trợ, vô hình tạo gánh nặng cho xã hội.
Không chỉ dừng lại ở đề xuất người lao động không được rút phần đóng của chủ sử dụng lao động và Nhà nước, theo tôi phải dần dần tiến tới chấm dứt việc cho rút BHXH một lần. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề theo yêu cầu có tính chất cá nhân của một số người hoặc một số nhóm người.
Đề xuất của của Tổng LĐLĐVN sẽ góp phần làm giảm tỉ lệ người lao động rút BHXH một lần. Đây là vấn đề chính sách. Chúng ta nên nhấn mạnh khía cạnh, người sử dụng lao động đang chấp hành pháp luật đóng BHXH tạo an sinh xã hội, chứ không phải họ đóng cho người lao động rút số tiền đóng BHXH một lần.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Định - nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Người lao động cần nhận thức tốt hơn về ý nghĩa của BHXH
Thực trạng người lao động rút một lần ảnh hưởng đến quỹ BHXH và trở thành trào lưu thì rất nguy hiểm. Việc tâm lý đám đông rút BHXH một lần làm cho ý nghĩa của bảo hiểm xã hội giảm đi và hạn chế ảnh hưởng an sinh xã hội lâu dài của họ.
Việc rút BHXH một lần, nếu đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ được hưởng một phần rất nhỏ do chủ sử dụng đóng góp nên bản thân họ được hưởng trợ cấp lương hưu rất thấp. Rất khó có thể đảm bảo khả năng duy trì cuộc sống.
Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có “lý” riêng để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần. Bởi vì người lao động có quyền rút ra nhưng chỉ rút ra phần người lao động đóng góp. Phần chủ sử dụng và Nhà nước đóng góp hỗ trợ (không phải phần của người lao động) nên Nhà nước giữ lại trợ cấp hằng tháng duy trì góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đề xuất này là một giải pháp, về lâu dài cần thay đổi nhận thức của người lao động và tuyên truyền tốt hơn nữa ý nghĩa nhân văn của BHXH. LÊ HOA(ghi)
Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TPHCM): Nên có quy định cho đối tượng đóng trở lại
Thời gian qua, có một số người lao động đã nhận BHXH một lần đến liên hệ nhờ Trung tâm Tư vấn pháp luật tư vấn, hỗ trợ để trả số tiền đã nhận lại cho quỹ BHXH, để sau này được nhận lương hưu. Họ cho biết, lúc nghỉ việc vì điều kiện cuộc sống khó khăn nên họ muốn được nhận BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, tuy nhiên, đến thời điểm này, họ thấy rằng nếu họ không nhận một lần mà để lại để được nhận lương hưu thì sẽ có lợi hơn cho họ. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định nào về việc này. Theo tôi, đó cũng là một bất cập, trong khi mục tiêu của Nhà nước là càng có nhiều người bảo lưu, nhận lương hưu sẽ tốt cho công tác an sinh xã hội thì cũng nên có quy định cho đối tượng này đóng trở lại. Ngoài số tiền họ đã được nhận một lần, NLĐ đóng thêm tiền lãi phát sinh, có thể tiền lãi được tính dựa trên lãi suất mà quỹ BHXH cho vay đầu tư, và quy định cụ thể NLĐ nghỉ từ thời điểm nào, nhận từ thời điểm nào thì được đóng trở lại.
Bên cạnh đó, vẫn có một thực tế hiện nay là cô giáo về hưu, nhận lương chưa đến 1 triệu đồng/tháng, công nhân về hưu nhận lương dưới chuẩn nghèo… với mức lương hưu như vậy không khuyến khích được một bộ phận NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHXH để nhận lương hưu. Khi Nhà nước khuyến khích NLĐ bảo lưu để hưởng lương hưu, chỉ cần đóng 10 năm, 15 năm BHXH cũng được nhận lương hưu, thì Nhà nước phải có những chính sách đảm bảo tiền lương hưu cho NLĐ đủ sống, ít nhất là đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của họ.
Theo báo Lao động
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình