Mức giới hạn trên của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH: Từ góc nhìn lý luận & Thực tiễn
10/04/2018 07:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ở Việt Nam, quan hệ đóng – hưởng được thực hiện trong lĩnh vực BHXH từ năm 1995 theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 về ban hành điều lệ BHXH nhưng không quy định về trần đóng BHXH. Sau đó Luật BHXH năm 2006 đã quy định mức trần đóng BHXH là 20 lần lương tối thiểu và đến Luật BHXH năm 2014 vẫn quy định mức trần đóng BHXH là 20 lần lương cơ sở.
Ảnh minh họa
Bài 2: Mức trần đóng BHXH ở Việt Nam hiện nay
Việc phân tích mức trần đóng BHXH hiện nay bằng 20 lần lương cơ cở để trả lời câu hỏi là hợp lý hay chưa cũng như khả năng để nâng mức trần đóng BHXH lên 30 lần lương cơ sở theo một ý kiến đề xuất của khối doanh nghiệp cần phải được phân tích cụ thể hơn với nhiều dữ liệu có liên quan. Tuy nhiên, trong phạm vi nguồn số liệu tạm thời có được, chúng tôi tạm phân tích như sau: (xem Bảng 1, 2)
Phân tích mức thu nhập bình quân và tiền lương bình quân với mức lương cơ sở. Chú ý: nguồn số liệu về thu nhập bình quân và tiền lương bình quân cả nước ( nguồn số liệu thô từ điều tra khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội năm 2012 -2014, nguồn số liệu đã công bố năm 2016 và dự báo 6 tháng đầu năm 2017) và việc tính toán so sánh giữa thu nhập bình quân, tiền lương bình quân với mức lương cơ sở chỉ là tương đối vì mức lương cơ sở thường được xác định vào ngày 01 tháng 05 hoặc ngày 01 tháng 07 của năm.
Căn cứ vào nguồn số liệu trên cho thấy trong giai đoạn các năm từ 2013 đến 2017: - Mức lương bình quân tháng chỉ bằng từ 91,82% đến 93,99% mức thu nhập bình quân tháng của người lao động.
- Mức thu nhập bình quân tháng chỉ gấp từ 4,61 đến 5,12 lần so với mức lương cơ sở của người lao động.
- Mức lương bình quân tháng chỉ bằng từ 4,26 đến 4,81 lần so với mức lương cơ sở. Với mức thu nhập và tiền lương bình quân chung của người lao động mang tính phổ biến trong toàn xã hội chỉ bằng khoảng từ khoảng 4 đến 6 lần lương cơ sở thì còn khá xa so với mức trần giới hạn tiền lương đóng BHXH theo quy định của luật BHXH là 20 lần thì khả năng nâng mức trần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH lên trên 20 lần theo quy định hiện hành thì chỉ mang tính hình thức mà thôi.
Thu nhập thực lĩnh của những người có mức lương cao bằng 20 và 30 lần lương cơ sở (Bảng 3).
Hiện nay nhà nước chưa quy định mức sống cơ bản, nhưng nếu theo so sánh với tiền lương bình quân chung thì với mức lương danh nghĩa là 26 triệu đồng/tháng (bằng 20 lần lương cơ sở năm 2017) sau khi đã trả các khoản đóng góp BHXH và thuế thu nhập cá nhân, phần còn lại thực lĩnh là trên 22 triệu đồng/tháng. Với mức lương thực lĩnh này đã gấp 3,58 lần người có mức lương bình quân chung (chưa trừ đóng BHXH) và theo nhẩm tính sơ bộ với mức sống bình quân chung trong xã hội, họ có thể đủ để nuôi bản thân và 02 con nhỏ.
Tương tự như vậy với mức lương danh nghĩa là 39 triệu đồng/tháng (bằng 30 lần lương cơ sở năm 2017) sau khi đã trả các khoản đóng góp BHXH và thuế thu nhập cá nhân, phần còn lại thực lĩnh là trên 32 triệu đồng/tháng. Với mức lương thực lĩnh này đã gấp 5,12 lần người có mức lương bình quân chung (chưa trừ đóng BHXH) và theo nhẩm tính sơ bộ với mức sống bình quân chung trong xã hội, họ có thể đủ để nuôi bản thân, vợ và 02 con nhỏ.
Mức lương thực tế bình quân làm căn cứ đóng BHXH năm 2017.
Trong thực tế cho thấy, tiền lương danh nghĩa (Bruto) được kê khai để đóng BHXH của các doanh nghiệp luôn thấp hơn thu nhập thực tế của người lao động. Điều này cũng dễ hiểu vì ngoài tiền lương còn có các khoản phụ cấp mang tính chất lương mà trước đây chưa được quy định làm căn cứ đóng BHXH.
Nhưng cũng có doanh nghiệp cố tình kê khai để đóng BHXH cho người lao động ở mức thấp nhất có thể được theo quy định, ví dụ chỉ đóng BHXH ở mức tiền lương tối thiểu vùng và cộng thêm 7% do sử dụng lao động kỹ thuật.
Thậm chí có nhiều doanh nghiệp khi kê khai danh sách số người tham gia BHXH và mức lương làm căn cứ đóng BHXH luôn ít hơn về số người và thấp hơn về mức lương doanh nghiệp đã trả trong thực tế nhằm giảm bớt khoản đóng góp BHXH, giảm bớt chi phí sản xuất khi tính vào giá thành nhằm làm tăng lợi nhuận. Ngược lại cũng tại những doanh nghiệp đó lại kê khai đầy đủ hơn về số người lao động và với mức tiền lương cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nhưng lại dưới mức thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân nhằm làm tăng chi phí sản xuất để giảm thuế doanh nghiệp.
Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua dẫn đến mức lương làm căn cứ đóng BHXH luôn phản ánh không đúng với mức lương thực tế, thực lĩnh của người lao động. Mặt khác về quản lý vĩ mô, nhà nước ta cũng chưa có công cụ quản lý thu nhập chặt chẽ đến từng người lao động nên việc kê khai không đúng với thực tế luôn diễn ra một cách phổ biến và do vậy việc ứng dụng các nguyên tắc xác định mức trần đóng BHXH khó thực hiện được.
Hiện nay theo báo cáo nhanh từ đơn vị chức năng của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2017 mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH trong khối thực hiện tiền lương nhà nước là từ 4,3 đến 4,4 triệu đồng/tháng và mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH ở khối thực hiện tiền lương theo quan hệ thị trường lao động, chủ sử dụng lao động quyết định là 4,5 đến 4,7 triệu đồng/tháng. Có thể tạm xác định mức tiền lương bình quân chung làm căn cứ đóng BHXH của năm 2017 là 4,5 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH năm 2017 hiện nay bằng 3,45 lần tiền lương cơ sở (4,5 triệu : 1,3 triệu); bằng 71,88% mức lương bình quân chung; bằng 67,57% mức thu nhập bình quân chung và chỉ bằng 17,25% trần đóng BHXH (3,45: 20).
Giả định về mức hưởng lương hưu của người lao động có mức lương làm căn cứ đóng BHXH bằng 20 lần và bằng 30 lần mức lương cơ sở.
Theo một kết quả tính toán dự báo của Viện khoa học BHXH cho thấy: - Trường hợp người lao động đóng góp BHXH ở mức trần là 20 lần lương cơ sở: + Đối với 1 người lao động là nam giới đóng BHXH đủ 20 năm với mức đóng BHXH liên tục bằng với trần đóng BHXH là 20 lần lương cơ sở (ví dụ bắt đầu đóng từ năm 2007 cho đến năm 2026) và đủ 60 tuổi nghỉ hưu thì người đó được hưởng lương hưu với tỷ lệ 45% mức tiền lương bình quân chung làm căn cứ đóng BHXH và mức lương hưu được lĩnh tương đương với 9 lần mức lương cơ sở tại thời điểm lĩnh lương hưu năm 2027.
+ Đối với 1 người lao động là nữ giới đóng BHXH đủ 20 năm với mức đóng BHXH liên tục bằng với trần đóng BHXH là 20 lần lương cơ sở (ví dụ bắt đầu đóng từ năm 2007 cho đến năm 2026) và đủ 55 tuổi nghỉ hưu thì người đó được hưởng lương hưu với tỷ lệ 55% mức tiền lương bình quân chung làm căn cứ đóng BHXH và mức lương hưu được lĩnh tương đương với 11 lần mức lương cơ sở tại thờì điểm lĩnh lương hưu năm 2027.
- Trường hợp người lao động đóng góp BHXH ở mức trần là 30 lần lương cơ sở: + Đối với 1 người lao động là nam giới đóng BHXH đủ 20 năm với mức đóng BHXH liên tục bằng với trần đóng BHXH là 30 lần lương cơ sở (ví dụ bắt đầu đóng từ năm 2007 cho đến năm 2026) và đủ 60 tuổi nghỉ hưu thì người đó được hưởng lương hưu với tỷ lệ 45% mức tiền lương bình quân chung làm căn cứ đóng BHXH và mức lương hưu được lĩnh tương đương với 13,5 lần mức lương cơ sở tại thờì điểm lĩnh lương hưu năm 2027.
+ Đối với 1 người lao động là nữ giới đóng BHXH đủ 20 năm với mức đóng BHXH liên tục bằng với trần đóng BHXH là 30 lần lương cơ sở (ví dụ bắt đầu đóng từ năm 2007 cho đến năm 2026) và đủ 55 tuổi nghỉ hưu thì người đó được hưởng lương hưu với tỷ lệ 55% mức tiền lương bình quân chung làm căn cứ đóng BHXH và mức lương hưu được lĩnh tương đương với 16,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm lĩnh lương hưu năm 2027.
Với những tính toán dựa trên cơ sở chính sách BHXH hiện hành cho thấy mức lương hưu cho người đóng ở mức trần BHXH là 20 lần lương cơ sở và chỉ đóng có 20 năm thì khi nhận lương hưu, mức lương hưu đã gấp từ 9 đến 11 lần mức lương cơ sở (sự khác biệt là do cách tính lương hưu giữa nam và nữ khác nhau). Đây là mức lương khá lý tưởng cho người nghỉ hưu.
Tương tự như vậy nếu điều chỉnh mức trần lên 30 lần lương cơ sở và có người đóng BHXH liên tục 20 năm với mức trần là 30 lần lương cơ sở thì khi nghỉ hưu người lao động sẽ nhận được mức lương hưu từ 13,5 lần (đối với lao động nam) và 16,5 lần (đối với lao động nữ) mức lương cơ sở. Mức hưởng này cho thấy không phù hợp với ý nghĩa về chức năng điều tiết thu nhập của BHXH và không phù hợp với mục tiêu và bản chất của BHXH đề ra.
- Cần có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng người có mức tiền lương từ khoảng 20 lần tới 30 lần tiền lương cơ sở.
Nguồn số liệu thống kê về số người lao động có mức tiền lương bằng từ 20 lần lương cơ sở đến 30 lần lương cơ sở là rất cần thiết để xác định tỷ trọng số người có mức tiền lương này trong tổng số người lao động đang tham gia BHXH. Khi đó mới xem xét đến việc điều chỉnh mức trần đóng BHXH lên cao hơn 20 lần lương cơ sở.
Cần thiết kế chế độ hưu trí có mức đóng và mức hưởng tương thích, quan hệ này ở Việt Nam thì mức hưởng còn tương đối cao.
Chính sách BHXH ở Việt Nam là quá trình tiếp tục của chính sách BHXH từ những năm 60 của thế kỷ trước nhằm đảm bảo quyền lợi xuyên suốt cho người lao động, nhất là chế độ hưu trí. Mặt khác những thay đổi lớn về cải cách tiền lương cũng tác động rất mạnh mẽ đến thiết kế chế độ hưu trí ở nước ta từ nền kinh tế kế hoạch hóa hành chính tập trung chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với lộ trình về thay đổi không phải là ngắn mà kéo dài nhiều chục năm nhằm điều chỉnh và ổn định chính sách xã hội. Tuy nhiên đối với chế độ hưu trí, mặc dù đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung từ khi thực hiện Luật BHXH 2006 và Luật BHXH năm 2014 nhưng đến nay việc điều chỉnh vẫn còn phải tiếp tục vì mức hưởng còn cao, chưa tương đồng với mức đóng góp trong chế độ hưu trí. Cụ thể lao động Nam đóng BHXH 35 năm được hưởng 75% và lao động nữ đóng BHXH 30 năm được hưởng 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trước đó (ở Đức: đóng góp BHXH 45 năm được hưởng 65% ; Ở Pháp: đóng góp 40 năm được hưởng 50%). Vì vậy ở một chừng mực nhất định, những người có mức tiền lương cao, đóng góp BHXH ở mức cao (đương nhiên chỉ trong phạm vi trần đóng BHXH) vẫn có lợi thế rất lớn khi nhận lương hưu sau này.
Đành rằng, chính sách BHXH cần khuyến khích người lao động tham gia đóng BHXH ở mức lương cao để sau này nhận được mức lương hưu cao khi nghỉ hưu, an tâm sống lúc tuổi già nhưng chính sách BHXH có nghĩa vụ đảm bảo lương hưu cho người tham gia BHXH căn cứ vào mức đóng và khả năng đóng của đại bộ phận người lao động trong xã hội, chính sách này không được thiết kế để thực hiện riêng biệt, ưu ái chỉ cho một nhóm người có mức thu nhập rất cao trong xã hội.
Tóm lại: Do nguồn dữ liệu để phân tích về cơ sở xác định mức trần đóng BHXH còn chưa đầy đủ, nhưng với số liệu bước đầu cũng như những cơ sở lý luận đã nêu cho thấy: - Không đủ cơ sở để nâng mức trần đóng BHXH lên 30 lần vì việc nâng trần đóng BHXH sẽ làm phá vỡ đi mục tiêu và bản chất của BHXH, nhất lại là hoạt động BHXH ở nước ta đang trong giai đoạn phát triển, việc làm, tiền lương và thu nhập của người lao động còn nhiều điều đáng quan tâm, lo ngại; công tác quản lý lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập từ lao động chưa được chặt chẽ, đầy đủ và đặc biệt là số người tham gia BHXH hiện chỉ chiếm chưa đầy 25%, tức chưa đầy ¼ số người lao động trong cả nước tham gia BHXH.
- Trong thời gian tới, tiếp tục duy trì mức trần đóng BHXH bằng 20 lần lương cơ sở như hiện nay là phù hợp vì :
+ Mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH trong thực tế thu BHXH còn thấp, và vẫn thấp hơn cả thu nhập thực tế từ lao động của người lao động. Mức trần này sẽ làm cơ sở cho việc phấn đấu nâng mức đóng BHXH bình quân chung tăng lên khi đòi hỏi phải tính đủ các khoản phụ cấp lương theo quy định. Đồng thời tiếp tục làm giảm khoảng cách giữa mức lương làm căn cứ đóng BHXH trong thực tế với trần đóng BHXH.
+ Tiếp tục quản lý và khuyến khích nâng cao mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trong phạm vi mức trần đóng BHXH hiện nay sẽ tạo điều kiện cho người lao động có mức lương hưu đảm bảo hơn sau này.
+ Ở nước ta vẫn quy định chung trần đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ tạo cơ hội để góp phần điều tiết thêm cho quỹ BHYT vì quỹ BHYT ngoài người lao động tham gia BHXH bắt buộc phải đóng ở mức cao còn một bộ phận lớn những người tham gia BHYT mà chỉ phải đóng BHYT ở mức bằng với 1 lần mức lương cơ sở.
+ Tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh quan hệ đóng hưởng cho hợp lý hơn cũng như điều chỉnh quan hệ công bằng trong đóng và hưởng giữa lao động Nam và lao động Nữ trong chế độ hưu trí. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động thực thi pháp luật BHXH, cần tiếp tục ổn định chính sách BHXH cũng như giữ nguyên mức trần đóng BHXH như hiện nay nhằm tập trung khuyến khích thu hút bộ phận lớn người lao động có mức tiền lương và thu nhập ở mức từ 3 đến 6 lần lương cơ sở vào tham gia BHXH, phấn đấu đến năm 2020 đạt 50% lao động tham gia BHXH theo mục tiêu của Nghị quyết 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 đã đề ra./.
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình