Tuổi nghỉ hưu & Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
21/10/2016 06:59 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tuổi nghỉ hưu là phạm trù tưởng như rất quen thuộc và rất tự nhiên đối với mọi người lao động. Đối với mỗi cá nhân, đây là dấu mốc quan trọng trong hai “trang” cuộc đời của mỗi người, sau khi hoàn thành “trang” lao động (theo quy định của pháp luật), thì chuyển sang “trang” mới là nghỉ ngơi và làm việc (theo nhu cầu cá nhân).
Đối với xã hội, tuổi nghỉ hưu đánh dấu một sự chuyển tiếp thế hệ - thay thế một thế hệ đã có những năm tháng tham gia vào hoạt động kinh tế, tham gia vào thị trường lao động bằng một thế hệ mới, trẻ trung. Khách quan là như vậy, quy luật là như vậy, nhưng không phải ai (bao gồm cả tổ chức) cũng có thể hiểu đúng, hiểu đầy đủ về vấn đề này. Có người cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu là để có thể thay thế nhân lực trong thị trường lao động; có người lại cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu để cân bằng quan hệ đóng - hưởng trong BHXH… Thực ra, tất cả quan niệm, cách hiểu như vậy đều đúng nhưng chưa đầy đủ. Bài viết này đưa ra một vài bàn luận, góp phần làm rõ hơn vấn đề “nâng lên”, “hạ xuống” tuổi nghỉ hưu.
Xác định tuổi nghỉ hưu và vai trò của tuổi nghỉ hưu
Tuổi nghỉ hưu là yếu tố quan trọng nhất đối với chế độ hưu. Để được hưởng trợ cấp hưu trí, người tham gia BHXH phải đạt đến một độ tuổi nhất định. Tuổi về hưu phải được đặt ra phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và khả năng tài chính của Quỹ BHXH. Nhìn chung, ILO không ấn định tuổi nghỉ hưu chung cho các quốc gia và cũng không ấn định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ so với lao động nam phải chênh lệch bao nhiêu. Tuy nhiên, quy định tuổi nghỉ hưu không được quá 65 tuổi, trừ trường hợp đặc biệt, xét theo khả năng làm việc của người cao tuổi trong những hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể. Tuổi nghỉ hưu phải được đặt ra trong mối quan hệ giữa các điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Nâng hoặc hạ tuổi nghỉ hưu phải dựa trên cơ sở các điều kiện kinh tế - xã hội hoặc điều kiện tài chính của Quỹ BHXH. Để xác định độ tuổi nghỉ hưu, theo các chuyên gia BHXH thế giới, phải dựa trên những cơ sở sau:
Điều kiện sinh học
Sinh học được coi là cơ sở có tính khách quan khi xác định độ tuổi nghỉ hưu, trong đó có yếu tố tuổi sinh học của con người. Trong BHXH có hai khái niệm là tuổi già sinh học và tuổi già pháp định. Tuổi già sinh học là độ tuổi mà khi đến ngưỡng đó, con người đã xuất hiện biểu hiện suy giảm các chức năng tâm, sinh lý và các chức năng lao động. Theo quy ước của LHQ, người đạt từ 60 tuổi trở lên được coi là người già. Tuổi để hưởng chế độ hưu (tuổi già pháp định) của các quốc gia không giống nhau. Tuy nhiên, giữa già sinh học và già đối với cuộc sống lao động của con người thường không đồng nhất với nhau. Già sinh học là khi các hoạt động sống bị ảnh hưởng bởi chính các quá trình diễn biến sinh lý trong cơ thể của con người (quá trình đồng hóa giảm đi, quá trình dị hóa tăng lên theo tuổi tác, quá trình trao đổi chất giảm). Có thể nói, trong BHXH, những đặc điểm sinh học nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng để xác định độ tuổi nghỉ hưu.
Cơ sở sinh học khác có liên quan tới việc xác định tuổi nghỉ hưu là giới tính của người lao động. Do khác biệt trong cấu tạo cơ thể của nam - nữ khác nhau, nên mức độ và tốc độ suy giảm khả năng sinh học khác nhau. Cùng một độ tuổi như nhau nhưng mức độ suy giảm các chức năng tâm sinh lý và sự suy giảm tự nhiên khả năng lao động của nam - nữ khác nhau. Qua các số liệu thống kê y tế, sức đề kháng của nữ thường tốt hơn nam. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, ở nhiều quốc gia, tuổi thọ của nữ giới thường cao hơn nam giới. Tuy nhiên, tuổi thọ lao động có xu hướng ngược lại, nam giới có khả năng làm việc lâu hơn, với cường độ cao hơn so với nữ giới, nhất là đối với lao động chân tay. Do đó, trong số quốc gia thực hiện BHXH, có gần 70% số quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu của nam cao hơn nữ, mặc dù gần đây đã có xu hướng điều chỉnh để thực hiện bình đẳng nam - nữ.
Ảnh hưởng của điều kiện lao động và môi trường sống tới khả năng lao động
Điểm chung nhất của điều kiện lao động và môi trường sống ảnh hưởng đến người lao động là mức độ suy giảm khả năng lao động của họ. Điều kiện lao động và môi trường sống khác nhau, mức độ suy giảm khả năng lao động sẽ khác nhau. Đây cũng là điều kiện liên quan đến yếu tố tuổi thọ lao động. Cùng một độ tuổi sinh học nhưng làm việc trong điều kiện lao động, môi trường sống này thì đã coi là “già” nhưng làm việc trong điều kiện lao động, môi trường sống khác thì vẫn được coi là còn “trẻ”. Do đó, ở các quốc gia khác nhau, “chuẩn già” trong BHXH khác nhau. Ví dụ, có quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu là 70 tuổi, có quốc gia quy định 60-65 tuổi, cũng có quốc gia lại quy định thấp hơn, chỉ 50-55 tuổi.
Cơ sở kinh tế - xã hội
Các cơ sở sinh học là căn cứ rất quan trọng để thiết kế tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, để quy định phù hợp với thực tế, cần phải xem xét tới các điều kiện kinh tế - xã hội khác. Ở đây có thể nêu một số nhân tố chính như:
Khả năng hoặc tiềm lực phát triển kinh tế của đất nước
Khả năng và tiềm lực phát triển kinh tế của mỗi quốc gia thể hiện ở sự tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế góp phần cải thiện điều kiện sống của các tầng lớp dân cư. Trên bình diện quốc gia, tăng trưởng kinh tế sẽ làm cho ngân sách quốc gia tăng lên, Nhà nước có điều kiện để thực thi các chính sách về phúc lợi xã hội, nâng cao hơn mức sống của dân cư và do vậy, góp phần nâng cao tuổi thọ của người dân. Không phải ngẫu nhiên, đến một chu kỳ tuổi sinh học (tuổi thọ dân cư) nào đó, các quốc gia lại điều chỉnh tuổi nghỉ hưu (theo hướng tăng lên). Mặt khác, khi đời sống của dân cư nâng cao, người lao động có điều kiện hơn để tham gia BHXH (nhiều người tham gia hơn, có khả năng đóng mức phí BHXH cao hơn…) và rủi ro xã hội (ốm đau, bệnh tật…) giảm xuống, dẫn tới giảm chi phí BHXH… nên có điều kiện để nâng tuổi nghỉ hưu.
Trình độ quản lý lao động, quản lý xã hội
Một trong những nhiệm vụ quản lý lao động trong nền kinh tế thị trường đó là “điều khiển” được các quan hệ cung - cầu lao động. Khi kinh tế phát triển, thu hút nhiều người tham gia vào hoạt động kinh tế ở các ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống, có nhiều người tham gia BHXH hơn và vì vậy, Quỹ BHXH có khả năng thanh toán cao hơn, đảm bảo tốt hơn cho người được thụ hưởng BHXH. Để đảm bảo tái sản xuất xã hội, khuyến khích người dân hưởng thụ và thay thế lực lượng lao động mới, có quốc gia điều chỉnh hạ tuổi nghỉ hưu xuống. Ngược lại, ở những quốc gia có cơ cấu dân số già, số người tham gia lực lượng lao động hàng năm không tăng nhiều (thậm chí suy giảm), để cân đối lực lương lao động, Nhà nước có thể nâng tuổi nghỉ hưu lên (Pháp, Đức hiện nay đang dự kiến nâng lên). Đây không thuần túy là từ khía cạnh lao động, mà cả khía cạnh BHXH ở quốc gia có cơ cấu dân số già, vì nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, số tiền chi cho chế độ hưu sẽ tăng lên rất nhiều do số năm sau nghỉ hưu của người hưu trí tăng lên. Đây được gọi là hiệu ứng kép của điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.Yếu tố bình đẳng giới
Hiện nay, ở các quốc gia khác nhau, tùy theo các nhân tố ảnh hưởng như dân số học, các điều kiện kinh tế- xã hội... có quy định về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ khác nhau. Một số quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ như nhau, nhưng đa số quy định tuổi nghỉ hưu của nam giới cao hơn nữ giới (thường cao hơn 05 tuổi). Theo số liệu của ILO, trong 24 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và trong 40 quốc gia đang phát triển, có 66,67% quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi; 12,50% quy định là 60 tuổi. Còn trong số 40 quốc gia đang phát triển, có 18 quốc gia (45%) quy định tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi, 13 quốc gia (32,50%) quy định tuổi nghỉ hưu chỉ là 55 tuổi. Ngoài ra, các quốc gia còn quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn bình thường đối với trường hợp làm một số nghề, công việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhìn chung, tuổi nghỉ hưu của các quốc gia dao động trong khoảng từ 55 - 65 tuổi và có sự khác nhau giữa hai giới. Qua thống kê cho thấy, chỉ có 34,62% số quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu của nam - nữ như nhau, còn 65% quy định tuổi nghỉ hưu của nam cao hơn nữ. Như vậy, tùy theo từng điều kiện kinh tế – xã hội, ở từng giai đoạn cụ thể của quốc gia, mà có thể quy định tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu.
Điều kiện tài chính BHXH
Trong các cơ sở để quy định tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tài chính BHXH giữ vị trí đặc biệt quan trọng Trong BHXH hiện đại, tài chính BHXH có thể được coi là điều kiện tiên quyết làm cơ sở xác định tuổi nghỉ hưu. Mối quan hệ tài chính trong BHXH thể hiện mối quan hệ nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu BHXH thông qua lượng vật chất nhất định của xã hội. Nhu cầu BHXH rất rộng, phong phú nhưng khả năng đáp ứng lại phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi cá nhân và cả xã hội. Khả năng tài chính, hay nói cách khác, nguồn tạo ra lượng vật chất - tài chính tạo ra Quỹ BHXH, trong nền kinh tế thị trường, phải do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH. Sự đóng góp này tạo ra sự ràng buộc giữa nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia BHXH. Ở những nơi có quan hệ lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia BHXH cho người lao động. Người lao động cũng phải có nghĩa vụ BHXH cho chính mình thông qua việc đóng góp BHXH và được quyền hưởng BHXH (hưởng tiền hưu trí khi đến tuổi nghỉ hưu). Ở đây, thông qua việc đóng góp BHXH đã gắn kết, điều hòa mâu thuẫn về lợi ích của các bên tham gia BHXH. Tuy nhiên, trong mối quan hệ tài chính BHXH, xác định được mức đóng góp của từng bên ra sao lại là vấn đề rất phức tạp. Tùy từng loại trường hợp BHXH cụ thể mà mức độ đóng góp của từng bên khác nhau. Có trường hợp, đóng góp của các bên thể hiện sự san sẻ trách nhiệm nhưng có trường hợp, đóng góp của bên này cho bên kia là sự chuyển dịch trách nhiệm. Đối với chế độ hưu trí, việc đóng góp BHXH vừa thể hiện sự san sẻ trách nhiệm giữa người lao động - người sử dụng lao động, vừa là sự chuyển dịch một phần trách nhiệm giữa các thể hệ người lao động. Người lao động hiện tại đóng góp để người đang nghỉ hưu hưởng (bên cạnh sự đóng góp trong quá khứ của người nghỉ hưu), với hy vọng thế hệ sau cũng làm tương tự như thế hệ mình.
Như vậy, từ giác độ tài chính, cân đối tài chính giữa hai quá trình đóng và hưởng BHXH đã hình thành trong BHXH “điểm cân bằng động” đối với tuổi nghỉ hưu. Nghĩa là, khi vì một lý do nào đó mà Quỹ BHXH có nguy cơ thâm hụt hoặc có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần .Ví dụ, sự già hóa dân số dẫn đến lượng người đóng BHXH có xu hướng giảm đi, lượng người hưởng hưu trí có xu hướng tăng lên; hoặc do mức sống dân cư tăng lên, tạo ra áp lực phải tăng lương hưu. Đồng thời, tuổi thọ dân cư tăng lên, số năm hưởng hưu của người hưu trí cũng tăng lên... Khi đó, các nhà hoạch định chính sách BHXH phải tính toán để dịch chuyển tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên nhằm tạo ra “điểm cân bằng động” mới, nhằm cân đối Quỹ BHXH. Đây là sự điều chỉnh có tính quy luật trong BHXH.
Một số vấn đề đặt ra về quy định tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam
Tuổi nghỉ hưu, như đã nêu ở trên, là tuổi chế định, do pháp luật quy định. Vì vậy, quy định tuổi nghỉ hưu như thế nào có ảnh hưởng rất lớn đến từng người lao động, cũng như đối với việc sử dụng lực lượng lao động của nền kinh tế quốc dân nói chung. Đối với Quỹ BHXH, việc tăng hay giảm tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng rất lớn đến các khoản đóng góp và các khoản chi của quỹ. Theo các chuyên gia tài chính của ILO, nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 05 năm, tổng thu của Quỹ BHXH sẽ tăng lên 20% - 30%. Ngược lại, nếu giảm tuổi nghỉ hưu xuống 05 năm, số chi hưu trí và cho các trợ cấp khác sẽ tăng lên 50%. Do đó, tạo ra “điểm cân bằng động” là vấn đề tính toán rất khó khăn trong mối quan hệ kinh tế - xã hội khác của các nhà hoạch định chính sách BHXH Việt Nam.
Tuổi nghỉ hưu không phải là quy định bất biến, mà cần phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Trong xu hướng phát triển chung của xã hội hiện nay, tuổi nghỉ hưu sẽ có xu hướng điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải trên cơ sở tổng hợp các nhân tố đã nêu như sinh học, dân số, tài chính và các nhân tố kinh tế- xã hội khác. Quy định tuổi nghỉ hưu cũng cần được cân nhắc giữa các nhóm lao động khác nhau, có tính đến yếu tố giới. Nói cách khác, trong bối cảnh của thị trường lao động ở nước ta hiện nay và với dự báo về vấn đề cân đối Quỹ BHXH trong tương lai gần, nên xem xét vấn đề quy định tuổi nghỉ hưu được linh hoạt hơn để vừa phù hợp với hoàn cảnh của từng cá nhân người lao động, vừa có lợi ích cho người sử dụng lao động và xã hội. Nên quy định không chỉ có một độ tuổi hoặc một khoảng tuổi duy nhất cho hệ thống BHXH của Việt Nam mà có thể có một vài độ tuổi nghỉ hưu hoặc một vài khoảng tuổi nghỉ hưu khác nhau đối với các nhóm đối tượng lao động khác nhau, có tính đến yếu tố giới. Vấn đề này có thể giải quyết được về mặt quản lý khi công nghệ thông tin được ứng dụng trong quản lý lao động và quản lý đối tượng tham gia BHXH.
Về lộ trình, theo khuyến nghị của ILO, nên tăng dần tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên, có thể 1/2 tuổi cho mỗi năm cho đến khi đạt 60 tuổi. Tuổi của nam giới cũng tăng dần lên cho đến khi đạt 65 tuổi (chạm ngưỡng quy định tối đa tuổi lao động của ILO). Theo kinh nghiệm của quốc tế, để tạo ra “điểm cân bằng động”, các nhà hoạch định chính sách BHXH nên xây dựng tuổi nghỉ hưu theo phương pháp bậc thang, nghĩa là vừa tăng tuổi nghỉ hưu lên một ít và theo định kỳ (ví dụ, trong vòng 05 năm tăng lên 1-2 tuổi), vừa tăng tỷ lệ đóng góp BHXH và thực hiện chính sách tuổi hưu linh hoạt đối với một số nhóm đối tượng đặc thù (nhà khoa học, chính khách cấp cao...), nghĩa là tạo ra “khoảng tuổi nghỉ hưu” (ví dụ, từ 60-65 tuổi, 65-67 tuổi, thay vì “điểm tuổi nghỉ hưu”). Bên cạnh đó, vẫn giữ nguyên hoặc có thể hạ thấp hơn 1-2 tuổi nghỉ hưu so với hiện nay cho một bộ phận lao động ở những công việc đặc thù; những đối tượng này được quyền nghỉ hưu nhưng với điều kiện đủ thời gian đóng BHXH theo quy định./.
Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình