Tính đa chiều của BHYT và sự hài lòng của người dân trong khám, chữa bệnh
13/09/2016 07:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để thực hiện được BHYT toàn dân không chỉ dừng ở tăng mức độ bao phủ, mà còn quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế và chi phí y tế, như khái niệm chung về BHYT toàn dân: “Là một trạng thái của tiến bộ và công bằng xã hội mà ở đó mọi người dân của một đất nước đều có khả năng như nhau trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế (khám, chữa bệnh) với chất lượng ngày càng cao theo nhu cầu khám, chữa bệnh, không phụ thuộc vào mức thu nhập, địa vị xã hội và nơi cơ trú (địa giới hành chính)”. Như vậy, cần phải có cái nhìn đa chiều về BHYT toàn dân. Hiện nay, khái niệm không gian 03 chiều của BHYT toàn dân được nhiều quốc gia, tổ chức và cá nhân quan tâm.
Ba chiều của BHYT toàn dân bao gồm:
- Chiều rộng: Tỷ lệ bao phủ BHYT.
- Chiều sâu: Bao phủ dịch vụ y tế về số lượng, chất lượng.
- Chiều cao: Giảm chi phí tiền túi, giảm chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế.
Về chiều rộng
Tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta không ngừng được tăng lên, từ 5% (năm 1993) lên 20,7% năm 2003 và đã tăng một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây, từ 28,8% (năm 2005) lên 77% năm 2015 và đến hết tháng 06/2016, con số này đã lên tới trên 79%.
Về chiều sâu (mở rộng dịch vụ)
Trong những năm gần đây, số lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tăng nhanh cả về số lượng và tần suất tại tất cả các tuyến y tế. Năm 2012, ước tính có 121 triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh, tăng gần 2,6 triệu lượt so với năm 2011. Tần suất khám, chữa bệnh tăng hàng năm, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở, đạt 2,1 lần/người/năm. Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm và ngày càng mở rộng theo đúng quy định. Tham gia BHYT, mỗi người dân đã được hưởng những quyền lợi tiếp cận dịch vụ y tế từ nội trú, ngoại trú, phục hồi chức năng, dự phòng, dịch vụ kỹ thuật cao. Cơ sở khám, chữa bệnh gồm các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, của tư nhân và 80% số trạm y tế xã đã tổ chức khám, chữa bệnh BHYT. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cũng không ngừng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tham gia. Từ năm 2013, Bộ Y tế ra Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 03/12/2013 về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Việt Nam để các bệnh viện xác định đúng thực trạng hiện nay, những vấn đề hạn chế, yếu kém, lựa chọn được vấn đề cấp bách, ưu tiên để nâng cao chất lượng bệnh viện, đáp ứng sự hài lòng của nhân dân trong chăm sóc sức khỏe nói chung, trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là tại các bệnh viện, nói riêng.
Về chiều cao (mở rộng tài chính, hạn chế chi phí tiền túi)
Cùng với việc xác định lộ trình, Luật BHYT cũng đảm bảo tính khả thi bằng việc xác định sự an toàn tài chính, bảo đảm cân đối thu chi, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Vì vậy, Luật quy định mức đóng BHYT của người dân với giới hạn tối đa là 6% tiền lương, tiền công tháng, tiền lương hưu, trợ cấp BHXH hoặc mức lương tối thiểu chung. Trong điều kiện cụ thể, xác định mức đóng sao cho phù hợp. Nhà nước có chính sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng đối với các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo. Trong tương quan đảm bảo tính khả thi của lộ trình BHYT toàn dân, mức đóng cũng là yếu tố quyết định. Mức đóng quá cao thì người dân sẽ không tham gia BHYT. Mức đóng quá thấp thì không đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Như vậy, BHYT toàn dân là chương trình BHYT xã hội bao phủ được toàn bộ dân số. Trong một số trường hợp, có thể công bố đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân khi tỷ lệ bao phủ dưới 100% nhưng với điều kiện những người chưa có BHYT phải được bảo vệ trước rủi ro bệnh tật bằng những cơ chế tài chính y tế an toàn khác. Đồng thời, cùng với số lượng dịch vụ y tế, chất lượng dịch vụ y tế của các cơ sở y tế phải không ngừng được nâng cao để bảo đảm khía cạnh “chiều sâu” của BHYT. Có nhiều cách đo lường chất lượng dịch vụ y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh, như các chỉ số đầu vào, các chỉ số phản ánh quá trình hoạt động khám, chữa bệnh và các chỉ số đầu ra. Hiện nay, một chỉ số thường được sử dụng để đánh giá chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh là sự hài lòng của người bệnh [1], [4], [5].
Sự hài lòng của người bệnh đã được định nghĩa khác nhau như: “Một sự đánh giá tích cực của một cá nhân về những tiêu chí đặc trưng cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe”; “Một sự đánh giá của người bệnh về dịch vụ nhận được, bao hàm cả những phản ứng về nhận thức và tình cảm” [3].
Những tài liệu nghiên cứu chuyên về sự hài lòng của người bệnh rất phong phú. Tác giả Hall và Dornan viết trong phần tổng quan tài liệu nghiên cứu về sự hài lòng, những khía cạnh y học được lựa chọn nghiên cứu khác nhau: Một số lĩnh vực (như tính công chúng (uy tín) của những chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thông tin về việc chăm sóc sức khỏe) được nghiên cứu rộng khắp; trong khi những lĩnh vực khác (như kết quả) lại được đánh giá ở một mức độ ít hơn nhiều. Sự hài lòng là một cấu trúc nhiều yếu tố - người bệnh trải nghiệm những khía cạnh khác nhau của dịch vụ y tế và họ đưa ra những đánh giá đa dạng về quá trình, cũng như kết quả khám, chữa bệnh [3]. Các nghiên cứu cho thấy, có 06 nhóm yếu tố chính liên quan đến chất lượng, sự hài lòng của người dân với dịch vụ khám, chữa bệnh, đó là: Tình trạng kinh tế - xã hội, tình trạng dân số học xã hội, hệ thống y tế, thông tin y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và sự đa dạng của loại hình dịch vụ y tế. Đồng thời, chỉ ra 15 biến số chủ yếu tác động ảnh hưởng đến sự hài lòng của người bệnh: Sự tiếp cận, chi phí, chất lượng chung, tính cộng đồng, năng lực, thông tin được cung cấp, thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi, cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, sự chú trọng đến những vấn đề tâm lý xã hội của cả người cung cấp dịch vụ (thái độ, tư vấn, thấu hiểu, đồng cảm, dễ tiếp xúc và thân thiện của nhân viên y tế) và người sử dụng dịch vụ, vệ sinh môi trường của các cơ sở y tế, tính liên tục của dịch vụ y tế và kết quả của dịch vụ y tế [2], [4], [5].
Việc định nghĩa người bệnh như là những người tiêu dùng dịch vụ y tế dẫn đến việc chấp nhận những chiến lược nhằm nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên đánh giá về sự hài lòng của họ. Việc quan sát, nhận biết hành vi và ý kiến của người bệnh là rất cần thiết để hiểu và cải thiện dịch vụ khám, chữa bệnh và môi trường khám, chữa bệnh BHYT. Những khảo sát sự hài lòng của người bệnh được tiến hành như một phần tiếp theo việc chăm sóc sức khỏe đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp cho nhân viên y tế phản hồi của người bệnh về cảm nhận của họ trong quá trình điều trị. Sự hài lòng của người bệnh có liên quan đến một trong những yếu tố về tình trạng sức khỏe, là thước đo chất lượng dịch vụ y tế, năng lực chuyên môn và khả năng làm việc tương tác với người bệnh, các phương thức cử chỉ rõ ràng, trực tiếp, đàm thoại xã hội, sự nhã nhặn, quan tâm, sự thông tin và giao tiếp thân thiện, sự tôn trọng, mức độ giao tiếp thường xuyên, sự tham vấn kéo dài, mức độ sẵn có của các dịch vụ, thời gian chờ đợi. Một số nghiên cứu gần đây tập trung vào mức độ hài lòng của người bệnh như là một chỉ số đánh giá chất lượng chăm sóc sức khỏe, thước đo sự nhận thức về những dịch vụ y tế được cung ứng và là một biến số liên tục thể hiện kết quả.
Sự hài lòng hay không hài lòng có thể được diễn đạt thông qua việc cho điểm một số yếu tố cụ thể hoặc bằng cách đánh giá cảm nhận về sự hài lòng chung đối với cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu phương pháp tổng quát là hữu ích thì cũng cần có sự hiểu rõ ràng về những tiêu chí cụ thể ảnh hưởng đến sự đánh giá. Ví dụ, sẽ có rất ít giá trị thực tiễn nếu biết rằng phần lớn người bệnh cảm thấy hài lòng chung về việc điều trị ngoại trú của mình - một kết quả như thế này không cho biết những ưu tiên nào cần thay đổi hay cải thiện trong dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong khi đó, một sự hài lòng chung được bổ sung thêm thông tin về những khía cạnh cụ thể khác như sự hướng dẫn của nhân viên đối với việc điều trị hay khu vực ngồi chờ của cơ sở y tế, sẽ cung cấp cho những người đánh giá dịch vụ phản hồi hữu ích hơn rất nhiều [5].
Cơ sở y tế là nơi cung cấp dịch vụ còn người bệnh là khách hàng đặc biệt, có quyền đòi hỏi về chất lượng điều trị cũng như chất lượng phục vụ của cơ sở y tế. Đáp ứng sự hài lòng, sự mong đợi của người bệnh là một nghĩa vụ cao quý, xóa bỏ suy nghĩ ban ơn cho người bệnh còn tồn tại trong một số nhân viên y tế.
Cần phải xem xét đến sự hài lòng của người bệnh là vì sự quan tâm ngày càng nhiều đối việc thăm dò ý kiến người bệnh trong việc lập kế hoạch cung ứng dịch vụ y tế và tổ chức môi trường khám, chữa bệnh dựa trên tính trách nhiệm và hạch toán.
Việc sử dụng phương pháp đánh giá sự hài lòng của người bệnh thực chất là một trong những nội dung của việc đánh giá và đảm bảo chất lượng điều trị, điều này cũng giúp cho những người cung cấp dịch vụ y tế phát hiện ra được thiếu sót, bất hợp lý để có thể đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu của người bệnh. Những thông tin này được sử dụng cho việc cải thiện chất lượng điều trị. Như vậy, việc đo lường sự hài lòng của người bệnh là một công cụ quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu, lĩnh vực quản lý, lĩnh vực lập kế hoạch [2], [3], [5].
Kết quả những nghiên cứu trước đây đều cho thấy một tỷ lệ người bệnh hài lòng chung trong quá trình nằm viện rất cao, thường là ≥ 90%. Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan có ý nghĩa giữa sự hài lòng của người bệnh với những vấn đề liên quan trực tiếp trong cơ cấu tổ chức, quá trình khám, chữa bệnh và kết quả khám, chữa bệnh.
Với tính chất đa chiều của BHYT toàn dân, nhất là phát triển chiều sâu của BHYT, việc khảo sát sự hài lòng của người bệnh cần phải được tiến hành thường xuyên với mức độ ngày càng chuyên sâu hơn, nhằm định ra được những yếu tố quyết định tính hài lòng của người bệnh, lập chương trình can thiệp nâng cao chất lượng các cơ sở khám, chữa bệnh nói chung và khám, chữa bệnh BHYT nói riêng. Tất cả chỉ nhằm vào một mục đích cuối cùng là nâng cao sự hài lòng cho người bệnh để đạt được một chất lượng chăm sóc, khám, chữa bệnh BHYT tốt nhất, thực hiện thành công BHYT toàn dân./.
Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình