Tăng 50% viện phí: Người dân nên tham gia BHYT
22/07/2016 02:43 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tham gia BHYT người dân sẽ giảm gánh nặng chi phí khi tăng viện phí
Tăng theo nhiều đợt
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) - cho biết, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh mức giá viện phí đang được Bộ Y tế đề xuất thực hiện làm nhiều đợt, nhằm giảm tác động tới người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2017, việc đưa lương nhân viên y tế vào giá viện phí sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt, mỗi đợt điều chỉnh sẽ thực hiện ở 8-12 tỉnh, thành.
Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8.2016 tại các địa phương có tỉ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Đợt 2 được thực hiện vào tháng 10.2016 tại các địa phương có tỉ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11.2016 tại các địa phương có tỉ lệ BHYT bao phủ 85% dân số. Đợt 4 thực hiện vào tháng 12.2016 ở các tỉnh có tỉ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 vào tháng 1.2017 tại tất cả các tỉnh còn lại. Các cơ sở khám-chữa bệnh ở Trung ương đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức giá viện phí có tiền lương cùng thời điểm với địa phương.
30% dân số chưa có thẻ BHYT nên tham gia
Theo ông Liên, năm 2015 Luật BHYT đã có nhiều thay đổi nên về cơ bản không làm ảnh hưởng đến 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... Các đối tượng này khi đi khám-chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí thay vì thanh toán 95%, đồng chi trả 5% như trước đây. Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% trước năm 2015 xuống còn 5% từ 2015.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ tác động mạnh đến khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải bảo đảm tăng độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải chi trả thêm. Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, bệnh nhân BHYT sẽ được hưởng bởi chi phí hầu hết do BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho rằng, việc tăng giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển kỹ thuật y tế, đồng thời người dân được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Người dân sẽ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo cơ chế chuyển dịch tài chính. Khi đã tính cả tiền lương, tiền phụ cấp vào giá dịch vụ y tế, phần ngân sách nhà nước trước vẫn cấp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên… sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội.
Đối với những người chưa tham gia BHYT, trong giai đoạn đầu sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ khám-chữa bệnh. Tuy nhiên, theo lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ áp dụng cho người không có thẻ BHYT. Do đó, để không phải nặng gánh chi trả thêm, giảm chi từ tiền túi khi thực hiện khám-chữa bệnh, người dân nên tích cực tham gia BHYT.
Theo báo Lao động
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình