Đảm bảo quyền lợi KCB BHYT của người dân vùng bãi ngang, ven biển
29/03/2016 10:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là khẳng định của Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) – ông Phạm Lương Sơn trong Chương trình ý kiến Cử tri của Truyền hình Quốc hội phát sóng trực tiếp ngày 25/3/2016.
Liên quan đến các văn bản hướng dẫn việc triển khai chính sách này của BHXH Việt Nam, Trưởng ban Phạm Lương Sơn khẳng định, ngay từ những tháng cuối cùng của năm 2015, BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch để định hướng cho việc phát triển BHYT năm 2016 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHYT, hướng tới năm 2020 chúng ta có trên 80% dân số tham gia BHYT. Cụ thể, đối với người dân đang sinh sống ở vùng bãi ngang, ven biển, xã đảo, những vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Uỷ ban Dân tộc; BHXH Việt Nam đã có những kiến nghị với Chính phủ là trong thời gian chờ ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thì cho phép kéo dài, gia hạn thời gian sử dụng thẻ BHYT của đối tượng này. Kiến nghị này đã được Chính phủ đồng ý và BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn BHXH các địa phương kéo dài giá trị sử dụng đến 30/6/2016 đối với các thẻ được cấp trong năm 2015. Việc gia hạn này không phải chỉ cấp thẻ có nửa năm mà trong thời gian đó, BHXH Việt Nam đang tích cực kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành quản lý nhà nước để ban hành các quy định pháp lý để có cơ sở lập danh sách phát hành thẻ BHYT mới thuộc các đối tượng này. Trong trường hơp đến cuối tháng 5/2016 mà chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành thì BHXH Việt Nam sẽ báo cáo tiếp với Chính phủ để tiếp tục gia hạn thời gian sử dụng thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Về kết quả việc triển khai cấp thẻ BHYT miễn phí cho người dân vùng bãi ngang ven biển, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn cho biết, theo Quy định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay có 131 xã thuộc 22 tỉnh, Thành phố thuộc diện xã bãi ngang. BHXH Việt Nam đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện chính sách này đến các xã có bãi ngang. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay, có một số tỉnh triển khai rất tích cực nhưng một số tỉnh cũng còn đang chậm. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố có xã đảo, bãi ngang trên 2 phương diện, thứ nhất, khẩn trương báo cáo với UBND tỉnh về chủ trương gia hạn thẻ, cấp thẻ mới cho các đối tượng thụ hưởng chính sách và thứ hai là phải xác định rất rõ, đây không phải là lỗi của người dân để có những biện pháp giải quyết kịp thời.
Trong việc cấp chậm thẻ BHYT, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan. Đối với người dân sinh sống ở vùng bãi ngang, xã đảo, huyện đảo thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định rất rõ ràng. Trách nhiệm lập danh sách là của UBND cấp xã, trách nhiệm phê duyệt thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Trách nhiệm của cơ quan BHXH là tiếp nhận danh sách, kiểm tra rà soát và in thẻ chuyển về UBND xã để đưa đến tay người dân. Việc chậm này là trách nhiệm của nhiều cấp trong đó có một phần của cơ quan BHXH. Trong một phạm vi nhất định nào đó, BHXH đã chưa chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh, cũng như chưa chủ động phối hợp tích cực hơn nữa với các cấp chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng, thúc đẩy nhanh việc lập danh sách, việc đảm bảo nguồn tài chính, rà soát, in thẻ, chưa chủ động trong việc đưa thẻ đến với người dân khi thẻ đã được in ra. BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này.
Về giải pháp khắc phục, ông Phạm Lương Sơn cho rằng cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ để khắc phục tình trạng này và lường trước những khả năng khác để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Trước tiên, phải sớm trình Chính phủ để ban hành những quyết định công nhận xã đảo, bãi ngang, những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Vấn đề thứ hai là, cần phải xác định rõ không những trách nhiệm của một cấp, một ngành mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, không đùn đẩy trách nhiệm. Xã có trách nhiệm lập danh sách nhưng phải có sự tham gia tích cực của nhiều ngành, từ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành BHXH, cũng như những tổ chức chính trị, đoàn thể ở cấp cơ sở. Vấn đề thứ ba, cần phải có một cơ chế chủ động để đảm bảo nguồn tài chính trong việc cấp thẻ BHYT cho người dân.
Trong hành động của mình, các cấp, các ngành đặt yếu tố người dân phải được phục vụ, người bệnh là trung tâm lên trên hết. Khi người dân chưa có thẻ BHYT mà chứng minh được mình thuộc vùng đó thì cần phải có những giải pháp mang tính tình thế để đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của BHXH Việt Nam đối với BHXH các tỉnh. Vì vậy, đã có không ít trường hợp, mặc dù chưa có thẻ nhưng khi đã xác định thuộc các đối tượng chính sách thì hoàn toàn có thể giải quyết linh hoạt, việc xác minh BHYT sẽ được lo sau để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình