Cần sớm đồng bộ chính sách
11/09/2023 09:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Niềm vui của người dân An toàn khu (ATK) đang gián đoạn bởi chính sách “đền ơn đáp nghĩa” chưa kịp triển khai đồng bộ. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan cần sớm nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân các xã ATK, vùng ATK.
Cuối tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1006/QĐ-TTg về việc công nhận xã ATK, vùng ATK thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo Quyết định này, tỉnh Kiên Giang có 15 xã, thị trấn được công nhận là xã ATK của Trung ương trong hai thời kỳ kháng chiến. Cụ thể: Xã Thạnh Yên (huyện U Minh Thượng); 3 xã là Bình Minh, Phong Đông và Tân Thuận (huyện Vĩnh Thuận); 10 xã là Đông Hưng, Đông Hưng A, Đông Hưng B, Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Đông Hòa, Thuận Hòa, Đông Thạnh, Tân Thạnh và thị trấn Thứ Mười Một (huyện An Minh).
Vùng ATK Định Hóa (Thái Nguyên)
Đây là tin rất phấn khởi đối với người dân các xã, thị trấn ATK. Bởi, ngoài sự công nhận đầy ý nghĩa về mặt tinh thần, còn gắn liền với một số chính sách “đền ơn đáp nghĩa” cụ thể. Trước đó, hồi tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 164/QĐ-TTg công nhận 5 xã thuộc huyện U Minh Thượng và 4 xã thuộc huyện Vĩnh Thuận là xã ATK.
Nhìn lại quá trình xây dựng chính sách công nhận các đơn vị hành chính ATK để thấy rõ sự gián đoạn trong niềm vui của người dân. Hồi cuối tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 897/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã ATK, vùng ATK. Hai năm sau đó, tính đến hết tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có 12 quyết định công nhận 151 xã ATK thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... Đến nay, số đơn vị hành chính được công nhận ATK đã gia tăng rất nhiều.
Hồi tháng 3/2020, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân các xã ATK cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách BHYT theo quy định). Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc xây dựng chính sách “đền ơn đáp nghĩa” thiết thực này vẫn chưa hoàn tất. Do đó, người dân ở các xã ATK, vùng ATK đã được công nhận vẫn phải tham gia BHYT theo diện tự đóng. Ước tính từ BHXH tỉnh Kiên Giang cho thấy, hơn 30% bà con ở 9 xã được công nhận ATK hồi năm 2021 tới nay vẫn chờ thẻ BHYT theo diện thụ hưởng chính sách “đền ơn đáp nghĩa”. Còn những bà con tham gia BHYT tự đóng vì nhu cầu cấp thiết trong chăm sóc sức khỏe cứ luôn thắc mắc “vì sao phải tự tham gia?”.
Lý giải từ Bộ Y tế- cơ quan được giao cùng Bộ Tài chính chủ trì xây dựng chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân các xã ATK, vùng ATK cho thấy, rào cản nằm ở chỗ thiếu mã thụ hưởng (in trên thẻ BHYT) và mức thụ hưởng. Những rào cản này, lẽ ra Bộ Y tế và Bộ Tài chính nhanh chóng xử trí. Song, vấn đề bổ sung, điều chỉnh chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân các xã ATK, vùng ATK lại được gắn với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146.
Hồi tháng 6/2023, Bộ Y tế thông tin với báo chí rằng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146 vẫn đang được lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ. Có thể thấy, thời gian cần thiết để đồng bộ chính sách kéo dài có nguyên nhân đến từ việc “gom vấn đề xử lý một lần”- việc này có lợi cho các bộ, ngành, song bất lợi cho bà con ATK.
Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...