Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ủy ban Xã hội về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

16/08/2023 02:01 PM


Chiều 15/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội rà soát Dự án Luật BHXH (sửa đổi) trước khi trình Ủy ban TVQH cho ý kiến.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ động tổ chức nghiên cứu tài liệu; chỉ đạo rà soát tổng hợp các tài liệu, báo cáo nghiên cứu về chính sách, pháp luật về BHXH; tổ chức Phiên họp toàn thể của Ủy ban nghe đại diện Ban Soạn thảo báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật; tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan về dự án Luật. Đồng thời, tiến hành khảo sát, lấy ý kiến; tổ chức một số hội nghị, hội thảo lấy ý kiến NLĐ về chính sách BHXH một lần… Thường trực Ủy ban cũng đã chủ động tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật theo Tờ trình số 361 ngày 31/7/2023 của Chính phủ và ngày 13/8/2023, đã gửi Báo cáo số 1888 tới Ủy ban TVQH.

Cho rằng, dự thảo Luật còn một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Xã hội tiếp tục phát huy kinh nghiệm trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật trước đây, nhất là với Dự án Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa qua, bảo đảm chất lượng dự án Luật BHXH (sửa đổi) để khi trình ra Ủy ban TVQH đạt được sự đồng thuận cao.

Trước đó, báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 9 chương và 135 Điều (tăng 10 Điều so với Luật hiện hành). Dự thảo Luật có một số nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó có việc bổ sung “trợ cấp hưu trí” (Điều 1 Dự thảo Luật), mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3); điều kiện hưởng lương hưu (Điều 71); BHXH một lần (Điều 77 và Điều 109); cơ sở trích chi phí quản lý BHXH (khoản 2 Điều 125)…

Tại Báo cáo số 1888/BC-UBXH15 ngày 13/8/2023, Ủy ban Xã hội kiến nghị Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến, bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ và giải trình đầy đủ các nội dung được Ủy ban TVQH cho ý kiến; cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm tra, ý kiến góp ý của Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban TVQH và bộ, ngành có liên quan, doanh nghiệp, NLĐ... nhằm hoàn thiện dự án Luật và gửi Ủy ban Xã hội thẩm tra chính thức và báo cáo Ủy ban TVQH xem xét, quyết định việc trình Quốc hội cho ý kiến.

Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn