Thu hút, tăng khả năng tiếp cận BHXH, BHYT để phát triển thị trường lao động bền vững

05/04/2023 09:09 AM


Về lâu dài, phát triển bền vững thị trường lao động cần hỗ trợ phát triển lưới an sinh, BHXH cho NLĐ. Đặc biệt, tổ chức thực hiện các giải pháp để thu hút, tăng cường khả năng tiếp cận BHXH, BHYT cho NLĐ.

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cùng Bộ Lao động và Đào tạo nghề Vương quốc Campuchia tổ chức Hội nghị Quan chức cao cấp về lao động, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề. Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Bá Hoan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hơn 2 năm qua, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại nhiều hoạt động hợp tác, song không làm giảm mối quan hệ chặt chẽ giữa hai Bộ.

Ông Nguyễn Bá Hoan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại Hội nghị

"Hai bên không có điều kiện để gặp nhau thường xuyên, nhưng vẫn duy trì sự trao đổi, hợp tác thông qua phương thức trực tuyến. Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ và triển khai nhiều hoạt động cụ thể thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động giai đoạn 2017-2022 và đạt được nhiều kết quả hết sức tốt đẹp về quản lý lao động, đào tạo nghề và các lĩnh vực khác trong bối cảnh nguồn lực hạn chế do tác động của đại dịch Covid-19"- ông Nguyễn Bá Hoan chia sẻ.

Đồng thuận với ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, ông Hing Sideth- Tổng cục trưởng Tổng cục Đào tạo nghề Campuchia nhận định, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là trong vấn đề lao động, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề. Do đó, ông Hing Sideth mong muốn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia sẽ phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, đem đến lợi ích cho cả 2 đất nước, cũng như thỏa thuận trong lao động, phát triển nguồn nhân lực có thể đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả thiết thực.

Thông tin thêm tại Hội nghị, ông Tào Bằng Huy- Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trước khi xảy ra dịch Covid-19, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện; tiền lương và của NLĐ thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, tác động mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của DN.

Đoàn Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia tham dự Hội nghị

Bước sang năm 2022, bức tranh thị trường lao động quý III/2022 có rất nhiều điểm sáng, trái ngược với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Thị trường lao động Việt Nam phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả về lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của NLĐ tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện. Đặc biệt, các chỉ tiêu thị trường lao động như: Chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng cao...

Tuy nhiên, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng hết lợi thế của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. “Đặc biệt, hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng”- ông Huy cho biết.

Cũng theo ông Huy, để phục vụ việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, cần đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế. Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS.

Cùng với đó, ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người NLĐ, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho NLĐ. Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu.

“Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và BHXH cho NLĐ, đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội; cung cấp cho NLĐ về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức hưởng thụ. Đặc biệt, tổ chức thực hiện các giải pháp để thu hút, tăng cường khả năng tiếp cận BHXH, BHYT cho NLĐ; đổi mới chính sách BH thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho NLĐ để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động”- ông Huy chia sẻ thêm.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn