Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024: Vấn đề liên kết tầng trong hệ thống BHXH

22/08/2024 04:14 PM


Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41/2024/QH 15 được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2014. Trong nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung lần này, có thể khẳng định vấn đề liên kết tầng trong hệ thống BHXH thể hiện rõ nhất tính ưu việt của một chính sách an sinh xã hội, đồng thời cụ thể hóa mạnh mẽ nhất quan điểm của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của BCH TƯ về cải cách chính sách xã hội.

Một trong những mục tiêu cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là “Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tên theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững”. Điều đó cụ thể hóa bằng sự liên kết tầng khi người lao động có thời gian ngắn tham gia BHXH dễ dàng thụ hưởng quyền lợi nối tiếp từ tiền đóng BHXH và trợ cấp hưu trí xã hội.

Luật BHXH sửa đổi năm 2024 đưa quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 21 đến Điều 23) vào nội dung Luật BHXH trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi. Cụ thể, người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo BHXH hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ), thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng. Đồng thời, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng BHYT khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Quy định trợ cấp hưu trí xã hội giảm 5 năm so với hiện nay, điều đó có nghĩa sẽ có thêm nhiều người được hưởng kể từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực. Ở độ tuổi 75, sức khỏe của người Việt Nam nói chung nhiều người không tự lao động kiếm sống. Khoản trợ cấp này bình đẳng cho tất cả mọi người theo tuổi đời, trừ những người có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH. Dù số tiền ít ỏi thôi nhưng vô cùng ý nghĩa và là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho những người bước qua tuổi xế chiều. Họ cảm nhận được sự quan tâm của Nhà nước với bản thân mình, cảm nhận sự ấm áp, an tâm hơn.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước chưa hạ thấp tuổi nhận trợ cấp xã hội hơn thì rõ ràng số người khi hết tuổi lao động đến lúc đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội vẫn còn một khoảng cách khá xa. Nếu theo quy định hiện hành, năm 2025, một công dân đủ tuổi nghỉ hưu phải chờ đến 13 năm 9 tháng đối với nam và 18 năm 4 tháng với nữ mới đủ tuổi để hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội (tính năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng và của nữ là 56 tuổi 8 tháng).

Theo Luật, khoảng thời gian này sẽ được bù đắp nếu như công dân có thời gian tham gia BHXH. Tại khoản 1, Điều 23, Luật BHXH quy định, công dân Việt Nam khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm để hưởng lương hưu và cũng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (tức là chưa đủ 75 tuổi), nếu không hưởng BHXH một lần, không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình.

Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, người lao động được ngân sách nhà nước đóng BHYT; khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và được hưởng một lần trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện.

Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có thời gian tham gia BHXH ngắn và hạn chế việc rút BHXH một lần phục vụ cho lợi ích trước mắt.

Từ hai nội dung mới nêu trên, có thể khẳng định sự liên kết này rất được người dân đồng tình, thể hiện quan điểm của Đảng trong thực hiện chính sách BHXH đa tầng, liên kết gắn liền với các chính sách xã hội, đảm bảo người dân khi hết tuổi lao động đều được bảo vệ, có thu nhập và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc khỏe.

Rõ ràng, Luật BHXH sửa đổi đã hạ số năm đóng BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và thêm chính sách trợ cấp xã hội cho những người chưa đủ 15 năm đóng BHXH thể hiện tính ưu việt rõ nét nhất chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy việc vận động người dân tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện là mấu chốt để hiện thực hóa một chính sách nhân văn của Đảng vào cuộc sống, góp ổn định xã hội và phát triển bền vững.

Quang Phương