Quỹ BHYT: Được quản lý đúng quy định pháp luật

29/09/2022 07:40 AM


Ngày 28/9, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe và thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2021. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn tham dự Phiên họp.

Trong khó khăn vẫn tăng bao phủ BHYT

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2021, cả nước có 88,83 triệu người tham gia BHYT, tăng 793 ngàn người so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, đạt 100,01% kế hoạch được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao. Cũng trong năm 2021, BHXH các địa phương ký hợp đồng KCB BHYT với 2.704 cơ sở KCB, tăng gần 4% so với năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nên cả nước có 125,3 triệu lượt KCB BHYT, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHYT còn xảy ra ở hầu hết các địa phương; hệ thống y tế chuyển đổi phương thức hoạt động, nhiều cơ sở KCB bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Một số tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng tham gia...

Thực hiện Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành quyết định về dự toán thu, chi BHYT năm 2021. Mặc dù năm 2021 là năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 91,1%- tăng so với Nghị quyết được Quốc hội giao.

Có được kết quả trên là do BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT. Đặc biệt, nhiều giải pháp, cách làm hay đã được áp dụng như: Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và mọi người dân nắm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT; tiếp tục CCHC tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT; tổ chức hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành có giải pháp phát triển đối tượng…

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Căn cứ thực tế, Chính phủ kiến nghị và đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung như: Đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách hỗ trợ DN và NLĐ đóng BHYT; tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật BHYT, nhất là vấn đề tình trạng trốn đóng, nợ BHYT; cũng như xử lý những vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB và xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT. Đồng thời, bố trí ngân sách đầu tư cho các cơ sở KCB công lập mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cấp hệ thống xét nghiệm, giảm tình trạng sử dụng máy đặt, máy mượn, nâng cao chất lượng KCB và minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Nêu ý kiến tại Phiên họp, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hiện nay vấn đề được dư luận quan tâm là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác KCB và quyền lợi của người có thẻ BHYT. Theo bà Lan, tình trạng này diễn ra qua nhiều năm, cho đến khi có dịch COVID-19 thì chỉ là giọt nước tràn ly. Vì vậy, cần phải có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này. Bên cạnh đó, với những loại thuốc Việt Nam đã sản xuất được và chất lượng, giá thành tương đương, thì cần có “hàng rào kỹ thuật” để hạn chế thuốc nhập khẩu, giảm chi phí cho bệnh nhân và khuyến khích công nghiệp dược trong nước.

Ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng kiến nghị cần có giải pháp phù hợp để phát triển người tham gia BHYT, nhất là với người tham gia BHYT hộ gia đình, BHYT HSSV. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ. “Giải quyết câu chuyện thiếu thuốc, trang thiết bị y tế điều trị để chấm dứt việc người bệnh có BHYT nhưng không được thanh quyết toán”- ông Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đại biểu khác cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ người tham gia BHYT, nhất là những người không còn được NSNN hỗ trợ theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Theo đó, cần có khảo sát thực tế và kéo dài thời gian người dân được hưởng chính sách hỗ trợ, vì nhiều người chưa thực sự thoát nghèo, vẫn còn rất khó khăn trong cuộc sống.

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, về tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngành BHXH Việt Nam đã rà soát và thông qua vận động tham gia theo diện BHYT hộ gia đình, nên đến nay còn 2,1 triệu người trong số này chưa tham gia BHYT. “Hiện một số địa phương có chính sách hỗ trợ; song với phần lớn những tỉnh bị tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg đều rất khó khăn, không cân đối được ngân sách”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn thông tin.

Bà Đào Hồng Lan- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhìn nhận còn nhiều vướng mắc trong thực hiện công tác KCB. Trong đó, ngoài thiếu thuốc do dịch bệnh, còn do chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, như các vướng mắc trong quy định của Luật Dược. “Nhu cầu cao, nguyện vọng nhiều, chất lượng tốt thì cũng rất khó và phải chọn cái hợp lý nhất. Liên quan đến các chính sách BHYT còn vướng mắc trong thực tiễn, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xem vướng ở khâu nào, ở chính sách hay tổ chức thực hiện”- bà Lan cho biết.

Phát biểu kết luận Phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhận định, báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHYT năm 2021 có nhiều nội dung rất quan trọng, nhất là việc phát triển người tham gia và sử dụng quỹ. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, qua báo cáo này cũng như những ý kiến của các đại biểu sẽ giúp Ủy ban Xã hội nắm bắt, tổng hợp tình hình để báo cáo trước Quốc hội cũng như phục vụ cho việc sửa đổi Luật BHYT được hiệu quả.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn