Cần thúc đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ

20/09/2022 08:05 AM


Bên cạnh sự thiếu hụt về vốn thì sau khi hồi phục kinh tế, DN còn gặp nhiều trở ngại trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động có kỹ năng nghề. Do đó, Nhà nước cần quan tâm xây dựng khung thể chế để thúc đẩy hỗ trợ DN cũng như NLĐ… DN vẫn khó khăn về vốn, tuyển dụng lao động

Trình bày tham luận về triển khai các chính sách hỗ trợ DN, ông Nguyễn Trúc Lê- Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm DN phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục, kịp thời trong thời gian vừa qua.

Các chính sách này đã có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy xu hướng phục hồi tính cực của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến DN. Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, DN khó thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của DN.

Tính đến ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 340.000 NLĐ đang làm việc trong 3.300 đơn vị SDLĐ; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5.000 NLĐ quay trở lại làm việc tại khoảng 600 DN. Thị trường lao động dần phục hồi tích cực. “Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các quốc gia lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngày càng được củng cố và phát triển tích cực”- ông Lê khẳng định.

Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình còn một số tồn tại khó khăn như chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, DN khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh bất cập. DN lớn dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức, còn DN nhỏ lại tiếp cận thông tin qua kênh phi chính thức. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3- 6 tháng. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành, nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có DN du lịch. Ngoài ra, các văn bản hưởng dẫn chưa kịp thời. Đơn cử, đối với chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỷ đồng. Song, 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Về phía DN, bà Hà Thu Thanh- Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho biết, sau 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, DN phải tạm đóng cửa hay giải thể thì phần lớn do khó khăn về tài chính, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, DN bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch thì lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của NLĐ. Việc thiếu hụt kỹ năng đã và đang cũng là một trở ngại lớn đối với hiệu quả hoạt động của DN Việt Nam, nhất là DN đã tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Cùng với đó, sự cạnh tranh về lao động lành nghề, lao động chất lượng cao đi kèm với quá trình chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam ngày càng khốc liệt. Ngoài ra, DN cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và không ưu tiên cho hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia

Trình bày tham luận Mở rộng diện bao phủ ASXH, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, ông Lâm Văn Đoan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của NLĐ tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là sự phục hồi chậm chạp của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tác động đến sự phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, ông Lâm Văn Đoan cho rằng, xã hội hiện nay cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ BHXH, BH thất nghiệp còn thấp trong lực lượng lao động, đa số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022. Đồng thời, cũng cần quan tâm đến việc tăng cường hiệu quả triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, hướng tới mục tiêu đảm bảo ASXH cho người dân, nhất là các nhóm nghèo, cận nghèo, DTTS, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trên cơ sở những khuyến nghị, tư vấn của Tổ chức Lao động Quốc tế, đối với Việt Nam trong giai đoạn 2022- 2026, công tác xây dựng pháp luật cần quan tâm xây dựng khung thể chế thúc đẩy việc làm bền vững, cải cách/đổi mới hệ thống chính sách ASXH thông qua sửa đổi, bổ sung các Luật như BHXH, BHYT, Việc làm, ATVSLĐ; nghiên cứu, rà soát hoàn thiện pháp luật về tố tụng lao động; bảo trợ xã hội; chăm sóc, bảo vệ NCT, NKT. “Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung phát huy những lĩnh vực kết quả đã có nhiều tiến bộ, đồng thời cần giải quyết các vấn đề tồn tại, thách thức như tỷ lệ việc làm phi chính thức còn ở mức cao, tỷ lệ lao động chưa qua bất cứ hình thức đào tạo nghề nào còn cao, trình độ tay nghề của NLĐ còn thấp, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài/NLĐ di cư trong nước còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng còn hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”- ông Đoan đề xuất.

Nguyệt Hà

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/