Lấy con người làm trung tâm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
21/04/2022 08:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ vượt bậc kể từ năm 2012, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn tiếp tục cần được cải cách hơn nữa.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội thảo.
Tại Hội thảo "Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2022: Xu hướng và khoảng trống" do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 20/4, các đối tác phát triển đã chia sẻ quan điểm với Chính phủ Việt Nam về thành công của việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022, cũng như những cải cách vẫn cần thiết trong tương lai để biến mục tiêu An sinh xã hội cho toàn dân thành hiện thực tại Việt Nam.
Ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 15 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022, nhằm tập trung cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, chăm lo đời sống cho người nghèo và các đối tượng yếu thế.
Mục tiêu cụ thể là nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông…. để từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Các chính sách an sinh xã hội đang dần được tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân. Quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những đối tượng yếu thế được bảo đảm tốt hơn.
Bốn trụ cột gồm: Nhóm chính sách việc làm và giảm nghèo; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; nhóm chính sách trợ giúp xã hội; nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng mở rộng về diện và đối tượng...
Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp người có công với cách mạng và hiện cả nước có hơn 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 đến 1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2% đến 2,2%.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 10,2 triệu người năm 2011 lên gần 16,6 triệu người vào năm 2021. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 được thực hiện hiệu quả. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng 3,5 lần so với năm 2010.
Việt Nam đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, cùng những kết quả đạt được, công tác an sinh xã hội của Việt Nam còn những hạn chế, bất cập.
Các đại biểu, tổ chức quốc tế tham dự hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh rằng, cần “tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, bảo đảm các vấn đề xã hội được quản lý và giải quyết bằng công cụ chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng, để tiếp tục tiến tới tầm nhìn an sinh xã hội cho toàn dân, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể cho việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội trên nhiều chiều cạnh khác nhau.
Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Bùi Tôn Hiến cũng cho rằng, quá trình triển khai thực hiện đã khẳng định Nghị quyết số 15-NQ/TW hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế- xã hội.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam, cho rằng, cải cách như vậy phải phù hợp với thực tế của bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam và dựa trên thành công của những tiến bộ đã đạt được trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, những cải cách như vậy cần được thiết kế và thực hiện dựa trên một loạt các nguyên tắc được chia sẻ bởi tất cả các cơ quan của Liên hợp quốc, bao gồm: Phối hợp và liên kết nhiều hơn giữa các chính sách và can thiệp khác nhau; Hệ thống An sinh xã hội nhạy cảm hơn về giới và phản ứng với sốc; Thiết kế các chính sách và can thiệp dựa trên cách tiếp cận vòng đời; Bảo đảm an sinh xã hội không bỏ lại ai phía sau; Thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách An sinh xã hội; Tăng cường năng lực thể chế; Tập trung vào các chương trình phổ quát toàn dân và các chương trình bắt buộc và Tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách.
Kết thúc hội thảo, tất cả các đối tác phát triển đều khẳng định và củng cố cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc Tổng kết thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, cũng như hỗ trợ kỹ thuật hướng đến việc xây dựng một Nghị quyết mới định hình các chính sách xã hội đến 2030 và tầm nhìn 2045 nhằm mục tiêu An sinh xã hội cho toàn dân tại Việt Nam.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 được thực hiện hiệu quả. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng 3,5 lần so với năm 2010. Việt Nam đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Theo https://nhandan.vn/
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...