Công tác thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mang lại kết quả lớn
06/04/2022 09:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 5/4, tại Hà Nội, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, giai đoạn 2016-2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua thanh tra, kiểm tra 64.671 đơn vị, phát hiện vi phạm về kinh tế 148.540 tỷ đồng, 143.777 ha đất.
Trong đó, kiến nghị thu hồi 70.697 tỷ đồng; 111.894 ha đất; kiến nghị xử lý khác 77.843 tỷ đồng, 31.883 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 11.999 tổ chức, 40.704 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 293 vụ, 375 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với 1.709 người, xử lý hình sự 50 người. Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cũng đã có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, toàn ngành Thanh tra đã đôn đốc thực hiện 44.641 kết luận thanh tra; đã hoàn thành 42.422 kết luận (đạt tỷ lệ 95%), thu hồi 39.192/55.701 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 70%), 84.522/88.303 ha đất (đạt tỷ lệ 96%); xử lý vi phạm khác 4.016/6.468 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 62%) và 5.205 ha đất; đã xử lý hành chính 12.649/13.437 tổ chức (đạt tỷ lệ 94%) và 45.109/46.202 cá nhân (đạt tỷ lệ 98%); đã chuyển cơ quan điều tra 241 vụ, 338 đối tượng; đã xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với 1.284 người, xử lý hình sự 31 người; ban hành nhiều văn bản hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Rà soát sơ bộ Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Đoàn giám sát cho biết, Thanh tra Chính phủ đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018; trình Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm soát tài sản thu nhập; tham gia xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Công tác thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có kết quả lớn, phạm vi rộng. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan Thanh tra Chính phủ đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, Thanh tra Chính phủ vẫn còn một số hạn chế trong quá trình tham mưu hoặc trực tiếp ban hành quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức thực hiện như: Ban hành chưa đầy đủ các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; một số quyết định ban hành chương trình còn chậm so với quy định. Nội dung báo cáo đối với một số lĩnh vực mới nêu chung việc thực hiện theo quy định hiện hành, mà chưa có số liệu minh chứng, chưa đánh giá kết quả, làm rõ thông tin số liệu so với quy định pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như các văn bản quản lý và các chỉ tiêu, định mức, mục tiêu đã ban hành như yêu cầu của Đoàn giám sát; một số lĩnh vực báo cáo nội dung còn sơ sài, chưa cụ thể và có lĩnh vực chưa được báo cáo.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đánh giá cao việc Thanh tra Chính phủ đã chuẩn bị báo cáo khá kỹ lưỡng, thể hiện rõ nét tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ ngành Thanh tra và tại các đơn vị được thanh tra. Báo cáo đã chỉ ra được các dạng sai phạm chủ yếu qua công tác thanh tra, kiểm tra; thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế trong thực thi nhiệm vụ của ngành.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự tham gia tích cực của các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu tham gia giám sát đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, bám sát yêu cầu, mục tiêu của chuyên đề giám sát. Thanh tra Chính phủ đã cung cấp nhiều thông tin, góp phần làm sáng tỏ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời nhấn mạnh, các ý kiến tại buổi làm việc là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu nội dung làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, để có thông tin, luận cứ, đánh giá xác đáng.
“Tổng Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cơ quan tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc làm việc, hoàn thiện các báo cáo gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham gia Đoàn giám sát với tư cách thành viên tích cực, chủ công, chủ lực để các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới đạt hiệu quả cao”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Vũ Thu
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...