Y tế học đường: Ngày càng khẳng định rõ vai trò
18/03/2022 08:08 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trước tình hình số ca mắc mới COVID-19 trong trường học có chiều hướng tăng cao, các trường học trên địa bàn TP.HCM đã linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh. Trong điều kiện này, y tế học đường càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho HSSV.
Đánh giá về công tác dạy học của các trường học trong thời điểm dịch bệnh tăng cao, bà Trần Hải Yến- Phó Trưởng ban Văn hóa- Xã hội (HĐND TP.HCM) cho rằng, việc dạy học trong bối cảnh hiện nay là sự cố gắng rất lớn của đội ngũ giáo viên, HS của nhà trường cũng như sự đồng hành của các phụ huynh với các cơ sở giáo dục thời gian qua.
“Nhiều trường gặp khó khăn về trang thiết bị phòng chống dịch. Các trường đều phải tự dành ra một khoản kinh phí lớn để mua dung dịch vệ sinh, khử khuẩn, bộ xét nghiệm nhanh... Riêng giáo viên phải kiêm nhiệm luôn các công việc như: Đo thân nhiệt cho HS, vừa dạy trực tiếp, vừa dạy online và vệ sinh khử khuẩn trường lớp sau mỗi buổi học… Do đó cần phải có chế độ cần thiết cho đội ngũ giáo viên trong thời điểm này”- bà Yến nhấn mạnh.
Cũng theo bà Yến, hiện nay, việc lấy mẫu xét nghiệm chủ yếu từ dịch mũi, nên sẽ gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn cho HS, đặc biệt là các trẻ mầm non và tiểu học. “Nếu được, đề nghị Sở Y tế xem xét cho lấy mẫu bằng nước bọt để đảm bảo sức khỏe cho các em trong thời gian học tập”- bà Yến đề nghị.
Liên quan vấn đề này, bà Lê Hồng Nga- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin, theo văn bản mới nhất, F1 là những trường hợp tiếp xúc với F0 trong phạm vi dưới 2m và trên 15 phút. Chúng ta không có chỉ định việc cách ly cả lớp là F1, trừ lớp mầm non. Tùy trong mỗi hoàn cảnh dạy và học, chúng ta tập cho các em thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tụ tập để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. “Riêng về công tác lấy mẫu xét nghiệm thông qua nước bọt sẽ cho kết quả không chính xác và tốn rất nhiều thời gian để tập huấn lại cho nhân viên y tế các trường, vì phương pháp này phải làm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất”- bà Nga chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Hưng- Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng khẳng định, trải qua giai đoạn dịch bệnh càng nhận thấy tầm quan trọng của y tế học đường trong việc chăm sóc sức khỏe HS tại trường. Tuy nhiên, do số lượng nhân viên y tế học đường ở các trường đang thiếu hụt, nên một số giáo viên phải kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ này. “Hiện nay, ngoài các chính sách của Thành phố thì việc tuyên truyền, vận động mua BHYT cho HSSV của các trường là rất quan trọng. Vì khi tham gia đầy đủ BHYT, ngành BHXH Việt Nam sẽ trích lại phần trăm để nhà trường sử dụng vào các việc đúng mục đích như: Đầu tư thêm thiết bị y tế học đường, đào tạo nhân viên y tế… đặc biệt là giảm bớt gánh nặng khám sức khỏe cho các em HS…”- ông Hưng thông tin.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH về công tác khảo sát các đơn vị trường học thời gian qua, ông Cao Thanh Bình- Trưởng ban Văn hóa- Xã hội (HĐND TP.HCM) cho biết, tính đến thời điểm này, các trường đã chủ động đảm bảo rất tốt công tác phòng chống dịch; thực hiện đúng hướng dẫn của ngành Y tế, ngành GD-ĐT và đạt được kết quả nhất định, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Cái khó nhất cần tháo gỡ cho các trường hiện nay, đó chính là về kinh phí để mua các dung dịch khử khuẩn, kít xét nghiệm cho HS cùng các chế độ dành cho đội ngũ giáo viên dạy học trong thời gian này”- ông Bình nhấn mạnh.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...