Đề xuất “nới’ trần giờ làm thêm của NLĐ lên tối đa 72 giờ/tháng
11/03/2022 01:49 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 10/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm giờ trong một tháng và trong một năm của NLĐ.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta hiện nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới nhiều mặt của đời sống xã hội; ảnh hưởng tiêu cực đến NLĐ cũng như hoạt động của nhiều DN, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, DN sản xuất trong chuỗi cung ứng nhu cầu thiết yếu...
Trong năm 2021, đã có hàng triệu NLĐ mất việc. Đáng chú ý, trong quý IV/2021, dù nhiều DN hoạt động trở lại, nhưng nhiều NLĐ vẫn không có việc làm, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương… Vì vậy, việc hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 là cần thiết, là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, NLĐ; hỗ trợ chủ SDLĐ ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh để tạo đà phát triển trong thời gian tới...
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động, thì chủ SDLĐ được phép thoả thuận với NLĐ làm thêm không quá 40 giờ/tháng; đồng thời một số ngành, nghề, công việc (dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản…) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các DN, hiệp hội DN về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong thời gian vừa qua, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN và NLĐ. Chính sách về làm thêm giờ cũng là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ DN, NLĐ. Vì vậy, Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của NLĐ. Trong đó, đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của NLĐ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong một năm của NLĐ không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.
Thẩm tra sơ bộ Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận thấy, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều DN khi chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng cùng hàng loạt đơn hàng bị đứt gãy, đình trệ…, đẩy NLĐ vào hoàn cảnh khó khăn do phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ việc, mất việc làm. Trong bối cảnh đó, để nhất quán thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thì việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho NLĐ và chủ SDLĐ trong hơn 2 năm qua, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước là rất cần thiết.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này- coi đó như là một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150% và Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).
Thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, căn cứ yêu cầu công việc, sức khỏe, điều kiện của NLĐ, việc tăng số giờ làm thêm trong một tháng, một năm của NLĐ phải thỏa mãn các yêu cầu như: Thỏa thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt, bảo đảm sức khỏe lâu dài cho NLĐ, nhất là NLĐ phải được trả công xứng đáng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đồng tình với việc tăng số giờ làm thêm lên một tháng, nhưng phải được sự đồng ý của NLĐ; đồng thời cần có chế độ tiền lương tương xứng với thời gian làm thêm, đặc biệt việc tăng số giờ làm thêm một năm nhưng không áp dụng với toàn bộ các ngành, nghề.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...