Ngày áp Tết ở các bệnh viện đặc biệt

26/01/2022 10:58 AM


Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội và nhiều địa phương vẫn tăng nhanh. Dù phần lớn người bệnh được điều trị tại gia đình và y tế cơ sở, nhưng số ca trở nặng cũng tăng theo. Ðể đáp ứng cao nhất cho việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều thầy thuốc tại các cơ sở y tế Trung ương và Hà Nội đã tình nguyện gác lại niềm vui quây quần bên gia đình, sẵn sàng ở lại trực chiến cùng đồng đội, đồng hành với bệnh nhân...

Chuẩn bị thuốc điều trị cho người bệnh nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Ðiều trị người bệnh Covid-19. Ảnh: TUẤN ANH

Khu điều trị người bệnh Covid-19 ở Bệnh viện đa khoa Ðức Giang (Hà Nội) những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần luôn kín chỗ với hơn 300 ca bệnh nặng, nguy kịch. Riêng khu hồi sức tích cực C3 lúc nào cũng có hơn 20 người bệnh phải thở máy, lọc máu... trung bình mỗi ngày có khoảng 7 trường hợp F0 mới được chuyển vào. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ðức Giang cho biết, với lượng ca nhiễm không ngừng tăng lên, bệnh viện dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán sẽ điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân tầng 3.

Ngoài chuẩn bị nhân lực gồm 150 thầy thuốc trực tiếp điều trị, chăm sóc toàn diện cho các F0 này, sẽ có khoảng 50 nhân viên y tế hỗ trợ. Số cán bộ y tế chuẩn bị cho điều trị bệnh nhân Covid-19 chiếm hơn 25% tổng số nhân viên toàn bệnh viện. Bệnh viện đã sắp xếp hai tua trực, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp và trực xuyên Tết. Ðáng chú ý, hai phần ba trong tổng số 200 nhân lực phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 dịp Tết này là cán bộ xung phong. Hơn 50% số lãnh đạo các khoa, phòng cũng đã tự nguyện ở lại bệnh viện qua Tết để đồng hành cùng anh chị em. Trong những người xung phong đó có những cặp là vợ, chồng nhưng lãnh đạo động viên, nếu chồng ở lại trực Tết thì vợ “miễn” và ngược lại. Vì “Ai cũng có gia đình và gia đình cũng cần họ”-Tiến sĩ Thường bộc bạch.

Với bác sĩ chuyên khoa 1 Ðỗ Anh Sơn, đây là năm đầu tiên anh đón Tết xa nhà. Nam bác sĩ 32 tuổi quê Hậu Lộc, Thanh Hóa đang công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Ðức Giang. Anh là một trong những “chiến sĩ” đầu tiên của bệnh viện này tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch từ hồi tháng 5/2021. Tự nguyện ghi tên vào danh sách trực Tết, nên tuần trước, anh Sơn đã tranh thủ về thăm mẹ ở quê. Ðón con trai về quê ăn Tết sớm, mẹ anh tất tả chuẩn bị nhiều đặc sản quê nhà chiêu đãi để con yên tâm quay về Thủ đô chống dịch. Mang tiếng về với mẹ, mong giúp mẹ sửa sang, dọn dẹp cửa nhà đón Tết, nhưng điện thoại của anh Sơn liên tục có những cuộc gọi của gia đình bệnh nhân hỏi về tình hình người nhà họ. Chưa kể anh vẫn tham gia hội chẩn ca bệnh nặng ở khoa, thành ra cũng không giúp được gì cho gia đình.

Bác sĩ Sơn là con út trong gia đình, các anh, chị đều ra ở riêng, nên anh rất thương mẹ khi phải đón giao thừa một mình. Tuy vậy, nhiều bệnh nhân nặng đang cần những thầy thuốc như anh. Ðặc thù bệnh nhân Covid-19, mọi việc chăm sóc, điều trị đều phụ thuộc vào nhân viên y tế. Do vậy, lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc thúc giục anh cần phải góp một chút sức lực nhỏ bé trong cuộc chiến với đại dịch này.

Tại Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội), những ngày áp Tết, gần 400 nhân sự của bệnh viện vẫn đang căng mình phục vụ bốn phân mảng: Ðiều trị gần 70 bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng và rất nặng ở khu vực truyền nhiễm; điều trị hơn 500 người bệnh tại cơ sở dã chiến ở Ðền Lừ (quận Hoàng Mai); điều trị những người bệnh thông thường và tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Tiến sĩ Ðinh Thị Lam, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ðống Ða chia sẻ, ở các khu vực đặc biệt này không có khái niệm ngày lễ, Tết bởi trong mọi tình huống đều phải bảo đảm quân số phục vụ tốt nhất cho điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Dù được giao điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2, nhưng do lượng bệnh nhân tầng 3 gia tăng, các bác sĩ tại bệnh viện đã mạnh dạn điều trị vượt tầng với sự hướng dẫn của các chuyên gia để chia sẻ áp lực với các bệnh viện khác. Ðáng chú ý, các thầy thuốc, cán bộ từ khu vực điều trị Covid-19 của bệnh viện này nếu bảo đảm kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch, sẽ được về nhà cách ly rồi đi làm tiếp và có lực lượng khác bổ sung, thay thế. Vậy mà rất nhiều anh chị em, thậm chí có cả cặp vợ chồng trẻ mới cưới, xung phong ở lại chăm sóc điều trị F0, mấy tháng liền không về nhà.

Theo dõi, điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.    Ảnh: ÐỨC DUY 

Với các y, bác sĩ, trực Tết là điều không hề xa lạ, nhưng Tết năm nay lại rất khác. Thầy thuốc sẵn sàng bên cạnh người bệnh Covid-19, đồng hành cùng họ qua cả những ngày xuân đầy ý nghĩa là tinh thần chung của hàng nghìn, hàng nghìn nhân viên y tế trên cả nước. Tại Bệnh viện Ðiều trị người bệnh Covid-19 (thuộc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội) có khoảng 140 y, bác sĩ, tình nguyện viên đang có mặt, trong đó có gần 70 nhân viên y tế, tình nguyện viên của Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, 24 bác sĩ từ Hà Giang, 35 bác sĩ, điều dưỡng từ Bệnh viện Xanh Pôn và 10 thầy thuốc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa tới học tập, hỗ trợ chăm sóc, điều trị. Lực lượng cán bộ y tế này sẽ đảm đương việc chăm sóc, điều trị hơn 200 bệnh nhân Covid-19, trong đó rất nhiều ca nặng, nguy kịch, phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO.

Chị Nguyễn Thu Phương, Ðiều dưỡng trưởng của Bệnh viện Ðiều trị người bệnh Covid-19, cho hay, để bảo đảm việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân, nhân sự của bệnh viện không thay đổi. Ngày Tết cũng như ngày thường, “như là không có Tết”. Toàn bộ y, bác sĩ hay nhân viên được giám sát và tự đánh giá nguy cơ phơi nhiễm để quyết định có bảo đảm an toàn và được về nhà sau ca làm việc hay không.

Chia sẻ điểm khác biệt khi trực Tết trong điều kiện bình thường và trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Trần Thanh Hùng nêu rõ, bình thường trực Tết, anh em trong các khoa có thể đi chúc Tết lẫn nhau, nhưng bây giờ trong môi trường dịch Covid-19, tất cả đều hạn chế, các thầy thuốc cũng hạn chế cả tiếp xúc.

Dù điều kiện dịch bệnh, nhưng ban giám đốc các bệnh viện vẫn tổ chức chúc Tết, trao quà tặng các bệnh nhân ở lại đón Tết với mong muốn mang mùa xuân ấm áp đến với họ khi phải xa nhà. Các bệnh viện cũng sẽ bảo đảm chế độ dinh dưỡng theo đúng quy định của Nhà nước. Ngoài ra, để động viên các y, bác sĩ, cán bộ trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, tại khu vực đặc biệt này, mai, đào, bánh kẹo đã được các nhân viên tổ công tác xã hội, công đoàn, đoàn thanh niên các bệnh viện chuẩn bị, với hy vọng tạo ra một không gian ấm cúng, để ai nấy đều chung cảm nhận khi đón Tết đến Xuân về.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết hiện có 500 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện và các đơn vị hỗ trợ từ Trường đại học Ðiều dưỡng Nam Ðịnh, Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai... đang tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tầng 3 tại trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền bắc này. Dù khó khăn, lãnh đạo bệnh viện cũng cân đối các nguồn để chuẩn bị cho các nhân viên thêm chế độ trực Tết.

Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới Nhâm Dần, mục tiêu lớn nhất của bác sĩ Sơn và hàng chục nghìn đồng nghiệp nơi tuyến đầu là tập trung điều trị, chăm sóc để có thêm nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, đủ điều kiện ra viện về nhà đón Tết cùng gia đình. Với những trường hợp chưa bình phục, việc điều trị tốt cho họ cũng là để gia đình yên tâm đón Tết. Sự hồi phục của bệnh nhân chính là nguồn động viên, là món quà Tết ý nghĩa nhất đối với các thầy thuốc dịp năm mới. Lúc chia tay, bác sĩ Sơn bảo Tết này các anh xa gia đình để nhiều bệnh nhân được sum vầy. Tôi tin, sẽ còn nhiều Tết sau, các thầy thuốc sẽ được quây quần với những người thương yêu...

 
 

 

 

Theo https://nhandan.vn/