Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế
03/12/2021 10:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 2/12, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và khai trương Trang Thông tin điện tử về Diễn đàn.
Giới thiệu về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách về phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ DN và người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.
Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh và tiêu cực của dịch Covid-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Điều này khiến cho nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội… Đơn cử: Tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất của nhiều DN bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Nghị quyết 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 đã xác định: Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Nghị quyết cũng đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%. Còn Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán NSNN năm 2022 đã xác định mức bội chi NSNN tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ diễn ra trong ngày 5/12/2021 với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”. “Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới”- ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.
Về một số nội dung trọng tâm của Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó dịch Covid-19 và kết quả đạt được. Đồng thời, làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo và đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19; xu hướng sản xuất kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng sẽ đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…); huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả các nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo. Đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.
Diễn đàn được chia thành 2 phiên. Cụ thể: Phiên toàn thể buổi sáng, có Tọa đàm cấp cao “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề, gồm: Chuyên đề 1 về “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”; chuyên đề 2 về “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Cũng tại họp báo, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường giới thiệu về website chính thức của Diễn đàn với tên miền: diendankinhte.quochoi.vn. Website với 2 ngôn ngữ là Tiếng Việt và Tiếng Anh, là công cụ để BTC tổng hợp, cung cấp các thông tin chính thống về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2021, mà còn duy trì vận hành, cập nhật thông tin cho các kỳ tổ chức Diễn đàn tiếp theo. “Đặc biệt, website sẽ cung cấp kịp thời các tài liệu, ảnh, video tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên, nhà báo khai thác, phục vụ công tác đưa tin về Diễn đàn đảm bảo tính thời sự, chính xác, đầy đủ và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước cũng như của các cơ quan, tổ chức nước ngoài về các vấn đề kinh tế, xã hội của Việt Nam và thế giới”- ông Cường nhấn mạnh.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...