Tuyên truyền để NLĐ thấy lợi ích dài lâu của chính sách BHXH

11/11/2021 08:15 AM


Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đăng đàn trả lời chất vấn liên quan việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chính sách tiền lương hưu cho đối tượng trước năm 1995, hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết số 68 và 116…

Chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ

Trả lời câu hỏi của ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) về việc triển khai các gói hỗ trợ do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ khẩn trương xây dựng đề xuất các chính sách... Đây là việc chưa từng có tiền lệ, nhiều nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ, do đó chúng tôi và các ngành chức năng làm đêm ngày, thứ Bảy, Chủ nhật nhóm liên ngành vẫn làm đến 24 giờ đêm, đúng như tư tưởng lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói là không được để ai thiếu ăn thiếu mặc. Do đó, các chính sách này chúng tôi triển khai nhanh, tất cả thủ tục trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đang ở mức độ thông thoáng nhất. Ví dụ như Nghị quyết 116, NLĐ không phải kê khai gì cả, cơ quan BHXH chuyển tiền vào tài khoản. DN cũng vậy, chỉ trong 5 ngày mà 363.000 DN được hưởng chính sách dừng đóng vào quỹ BH thất nghiệp.

Liên quan đến câu hỏi về kết quả triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của ĐB Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau 4 tháng triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý. Tuy nhiên, thời gian 4 tháng này cũng còn rất ngắn so với chính sách bởi vì trong các chính sách này phần đa (khoảng 50%) là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì còn lại khoảng 50% các chính sách cho phép kéo dài hơn. Ví dụ, chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022, chính sách để hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách thì cho phép kéo dài làm thủ tục hết tháng 6/2022. 

Tuyên truyền để NLĐ hiểu được lợi ích lâu dài của BHXH

Từ điểm cầu TP.HCM ĐB Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi về giải pháp nào để NLĐ không bán sổ BHXH, chính sách thu hút NLĐ tham gia BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc bán sổ BHXH thời gian qua thực chất là NLĐ đang tham gia BHXH sau đó rút BHXH để hưởng chính sách BHXH một lần và ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do nào đó đã nhượng lại sổ BHXH cho người khác đi lĩnh. Vì vậy, cần giảm mức hưởng BHXH một lần. Bởi, từ đầu năm 2021 đến nay có 870.000 người đã rút hưởng BHXH một lần và so với năm 2020 con số này tăng rất nhiều. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó do đời sống khó khăn, dịch bệnh… Để khắc phục tình trạng này, có 3 giải pháp căn cơ. Theo đó, phải chăm lo cho NLĐ vì đa số rút sổ BHXH và bán sổ BHXH rơi hầu hết vào công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn, có hoàn cảnh éo le… Do đó, để giải quyết tận gốc tình trạng này thì phải nâng cao đời sống NLĐ, chỉ khi đời sống tốt, cuộc sống được bảo đảm thì sẽ không bán sổ BHXH. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để NLĐ hiểu về sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của BHXH, để có khoản lương hưu khi về già. “Mặt khác, phải tiến hành tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về thực hiện Điều 60 Luật BHXH, đó là vấn đề rút BHXH một lần. Đồng thời, giải pháp căn cơ là sửa Luật BHXH. Hiện Bộ đã hoàn thành hồ sơ để đến năm 2022 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến. Ngoài ra, thay vì hưởng BHXH một lần thì tăng cường các lợi ích khác đối với NLĐ…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Quỹ BHXH, BH thất nghiệp đảm bảo bền vững

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) về kết dư của quỹ BH thất nghiệp sử dụng để hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ, nếu dịch tiếp tục việc hỗ trợ sẽ được tiếp tục thế nào và quỹ kết dư còn lại có an toàn không. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tính hết năm 2020, kết dư từ quỹ BH thất nghiệp là 90.600 tỷ đồng- đây là mức tốt và an toàn cao. Nghị định của Chính phủ phấn đấu kết dư gấp 2 lần mức chi của năm liền kề và năm 2020 đã chi khoảng 1/4 số kết dư này. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong đó có người đang tham gia BH thất nghiệp, Chính phủ nhận thấy nếu để kết dư lớn trong hoàn cảnh này thì không ổn. “Do đó, sau khi đánh giá tác động và cân nhắc làm sao kết dư an toàn trong 5 năm tới, Chính phủ thấy rằng hoàn toàn có căn cứ để đề xuất Ủy ban TVQH cho ý kiến để sử dụng 38.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ, trong đó 30.000 tỷ hỗ trợ NLĐ và 8.000 tỷ hỗ trợ việc giảm đóng cho người SDLĐ. Như vậy, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ quỹ BH thất nghiệp còn khoảng 56.000 tỷ đồng, đảm bảo gấp 2 lần tổng mức chi trong năm qua nên có thể an tâm được với mức kết dư này”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh lương hưu với những người trước năm 1995, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khi bàn vấn đề này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội do khó khăn về dịch nên hoãn tăng lương nhưng với vấn đề lương hưu vẫn cho phép điều chỉnh, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và lương hưu thấp. Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đánh giá và nay đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ và tháng 12 sẽ trình Chính phủ về vấn đề này. “Chúng ta cho phép điều chỉnh, ban đầu là 1/7/2022 nhưng nay xin với Chính phủ cho phép điều chỉnh từ 1/1/2022 với mức 7,4% với tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu 12.650 tỷ đồng; NSNN bổ sung cho những người trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng; với những người thấp hơn 2,5 triệu đồng/người thì bổ sung bằng mức 2,5 triệu đồng”- Bộ trưởng Dung cho biết.

Trả lời chất vấn của ĐB về việc có thể sử dụng quỹ BHXH để xây nhà cho công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Đây là quỹ dài hạn, là lương, là cuộc sống của hàng triệu người. Không thể sử dụng quỹ này cho việc khác được, các nước họ cũng không cho phép vì đây là quỹ ngoài ngân sách, quỹ của những người tham gia BHXH theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, nhiều hưởng nhiều, không thể lấy quỹ cho những đối tượng khác được.

Muốn đầu tư xây nhà cho công nhân, nhưng chúng ta nên sử dụng ngân sách, sử dụng nguồn khác chứ không thể dùng quỹ BHXH để làm vì không đúng nguyên tắc, quy định. Hiện nay, một năm chúng ta phải chi tiền lương cho người nghỉ hưu khoảng hơn 200.000 tỷ. Do vậy, quỹ BHXH phải bảo toàn và phát triển bền vững, chúng tôi không dám đề xuất vấn đề này.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/