Hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần, vì tương lai người lao động

08/11/2021 09:04 AM


Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2020, có 860.741 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 6,65% so năm 2019 và gấp hơn hai lần so số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm của năm 2020...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kiến nghị sửa đổi quy định về nhận bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: TRUNG TÂM

Có thể thấy, tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần gia tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu an sinh cũng như việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Hạn chế tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần, siết chặt quy định nhận bảo hiểm xã hội một lần phải được xem là giải pháp quan trọng vì chính tương lai của người lao động để bảo đảm cho mọi người lao động đều được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội.

Nhiều hệ lụy từ việc nhận bảo hiểm xã hội một lần

Theo Báo cáo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 tại kỳ họp Quốc hội, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm 2020 có tốc độ tăng hơn so với năm 2019, tuy nhiên, vẫn chỉ dao động ở mức khoảng 5% trong các năm qua nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2014 - 2019, toàn ngành đã giải quyết cho gần 3,7 triệu người nhận bảo hiểm xã hội một lần, với bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần, tương đương với số người tham gia mới bảo hiểm xã hội trong năm. Theo tính toán, cứ hai người tham gia mới bảo hiểm xã hội, thì có một người rời khỏi hệ thống...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, đây là một thực tế đáng quan ngại bởi sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ hệ thống bảo hiểm xã hội. Người lao động rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội, tự tước bỏ quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, nhất là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất sẽ dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai, đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng bảo hiểm xã hội cũng như bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cũng chỉ rõ, số liệu thống kê cho thấy những người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm 80,9% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ hơn 20 tuổi đến đủ 30 tuổi, chiếm 42,7%, nhóm tuổi từ hơn 30 tuổi đến đủ 40 tuổi, đứng thứ hai, chiếm 38,2%... Điều đó cho thấy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần phần lớn là lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn mà không tính đến việc cần tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ 20 năm và đủ tuổi về hưu. Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, nhất là trong bối cảnh đời sống thu nhập khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần được coi là lợi trước mắt, hại lâu dài, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Hầu hết những trường hợp không tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp, khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tạo áp lực lên xã hội và gia đình. Vì vậy, phát triển bảo hiểm xã hội một cách bền vững nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Các giải pháp

Theo Hiệp hội An sinh quốc tế và Tổ chức Lao động quốc tế, các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều không cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước tuổi về hưu, trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hay bị bệnh hiểm nghèo. Một số quốc gia cho phép hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi. Một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil (Bra-xin), Canada (Ca-na-đa), Argentina (Ác-hen-ti-na), Pháp, Nga và Đức không cho phép hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, cần nhìn nhận việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề chính sách của Nhà nước. Theo đó, cần phải có quy định hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm bảo đảm các chế độ bảo hiểm xã hội được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển và an sinh của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo thời gian giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ...

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cuối tháng 10/2021, tại phiên họp Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng được đưa ra thảo luận, xem xét việc sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời, để giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay, sẽ tập trung một số giải pháp cụ thể, như: Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; sửa đổi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng; tiến tới phát triển bền vững; điều chỉnh hưởng chính sách một lần; phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức, đa dạng hóa danh mục cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. Trước mắt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung đổi mới, tuyên truyền để người lao động khi bước vào thị trường lao động hiểu và đồng tình tham gia, dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động như kinh nghiệm các quốc gia phát triển đã thực hiện. Bên cạnh đó, sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích; tăng quyền lợi cho người lao động; nghiên cứu điều chỉnh phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động; xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội... ■

 
 

Theo https://nhandan.vn/