Quốc hội cần xem xét, bổ sung thêm chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT

28/10/2021 02:31 PM


Phát biểu ý kiến tại điểm cầu Nhà Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) khẳng định, việc bảo đảm an toàn và tăng trưởng bền vững quỹ thời gian qua được Chính phủ và nhất là ngành BHXH quan tâm, đặc biệt sự nỗ lực, cố gắng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo ĐB Nguyễn Hải Anh, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020 đạt kết quả khả quan với tổng số người tham gia là 16,176 triệu người, tăng gần 400.000 người so với năm 2019 và chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đáng lưu ý là số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng so với năm 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao, chủ yếu người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn với 700.000 đồng/tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi của đất nước. Một trong những nguyên nhân khiến BHXH tự nguyện chưa được như mong muốn là những quy định về chính sách chưa đủ sự hấp dẫn, thu hút người tham gia, trong đó có quy định về thời gian đóng còn tương đối dài 20 năm, chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt là còn thiếu sự linh hoạt và đa dạng về hình thức đóng... Do đó, để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 28 đề ra, cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ nhằm gia tăng tỷ lệ người BHXH tự nguyện bởi dư địa từ khu vực này còn rất lớn. Trong thời gian tới, cần sớm xem xét điều chỉnh về quy định chính sách, rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có những phương thức và cách tính theo giá trị dòng tiền, tạo sự hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều người tham gia BHXH tự nguyện.

Về bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH, ĐB Nguyễn Hải Anh khẳng định, thời gian qua ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện khá hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Điều này khẳng định, việc Quốc hội giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT cho ngành BHXH Việt Nam là rất đúng đắn, phát huy được sự chủ động và năng lực của ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, Quốc hội cần xem xét, bổ sung thêm chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT cho BHXH Việt Nam. Điều này do qua kiểm tra và giám sát, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ trục lợi quỹ BHXH, BHYT nhưng do không có chức năng thanh tra nên không xử lý kịp thời các vi phạm mà chỉ có thể đề xuất các ngành liên quan xử lý. Vì vậy, nếu được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT là một bước hoàn thiện công cụ quản lý để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ và không cần tăng thêm tổ chức, biên chế để thực hiện nhiệm vụ này.

Cũng theo ĐB Nguyễn Hải Anh, quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần được nêu tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và tại Nghị quyết 93 Quốc hội khóa XIII năm 2015 của Quốc hội chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho NLĐ đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH ra nước ngoài để định cư đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước là mở rộng số người tham gia BHXH, bao phủ các chế độ BHXH lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chủ trương, chính sách này được khẳng định và thể hiện rõ nét tại Điều 34 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội” và tại nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết số 15 năm 2015 của BCH Trung ương khóa XI, Kết luận số 63 năm 2013 của BCH Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 21 năm 2012 của Bộ Chính trị khóa XI, Nghị quyết số 28 năm 2018 của BCH Trung ương khóa XII, Luật BHXH năm 2014.

Đáng chú ý, thời gian gần đây số NLĐ hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Năm 2020 là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần so với số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020. Nghĩa là cứ một người tham gia hệ thống BHXH thì có 2 người rời hệ thống. Đây là một thực tế đáng quan ngại sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ hệ thống BHXH. NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất dẫn đến rủi ro đối với chính NLĐ trong tương lai, đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Do đó, tới đây khi sửa Luật BHXH, Quốc hội cần xem xét quy định về hưởng BHXH một lần thật thấu đáo.

Trên thế giới, theo Hiệp hội an sinh quốc tế và Tổ chức Lao động quốc tế, các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều không cho hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hay bị bệnh hiểm nghèo. Một số quốc gia cho phép hưởng BHXH một lần nhưng phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi. Đặc biệt, một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga và Đức không cho phép hưởng BHXH một lần. Chính vì vậy, cần nhìn nhận việc hưởng BHXH 1 lần là vấn đề chính sách của nhà nước. Theo đó, cần phải có quy định hạn chế việc hưởng BHXH một lần nhằm đảm bảo các chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển và an sinh của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, sửa đổi quy định chặt chẽ hơn việc hưởng BHXH một lần, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo thời gian giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/