Lật tẩy chiêu trò buôn bán Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH rởm (Bài cuối)

16/08/2021 08:25 AM


Lời cảnh tỉnh

Với việc ứng dụng CNTT và kỹ năng nghiệp vụ vững vàng, cán bộ BHXH không khó để phát hiện ra những giấy tờ giả. Đây là cảnh báo cho những đối tượng mua bán các loại giấy tờ giả mạo!

Khởi tố nhiều đối tượng

Trước tình trạng mua bán các loại giấy tờ giả để trục lợi BHXH, BHYT, Công an các địa phương đã vào cuộc điều tra và xử lý nhiều đối tượng. Đơn cử, Phòng CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03, Công an TP.Hà Nội) đã phối hợp với BHXH TP.Hà Nội xác minh nhiều hồ sơ giả mạo để hưởng BHXH ngắn hạn như các loại giấy chứng nhận (GCN) nghỉ hưởng BHXH. Theo đó, một số đối tượng đã làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, GCN nghỉ hưởng BHXH… để rao bán và thu lợi bất chính với giá từ vài chục tới hàng trăm nghìn tùy từng loại giấy. Thông qua các tài khoản giả mạo hoặc các group kín trên mạng xã hội, sau khi nhận đơn, các đối tượng sẽ ship “hàng” qua các ứng dụng để qua mặt cơ quan chức năng.

Các đối tượng làm giấy khám sức khỏe, GCN nghỉ hưởng BHXH giả tại Hà Nội bị cơ quan Công an bắt giữ (Ảnh TL)

Ngoài ra, các đối tượng cũng thường lên mạng tải các mẫu GCN và con dấu của các BV lớn, rồi làm giả để dụ bán cho NLĐ. “Thông qua công tác quản lý địa bàn, Công an các quận, huyện đã phát hiện một số đối tượng có hành vi mua bán giấy khám sức khỏe, GCN nghỉ hưởng BHXH, nên đã tập trung điều tra làm rõ. Chúng tôi đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can với nhiều đối tượng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”- đại diện PC03 (Công an TP.Hà Nội) cho biết.

Qua những vụ việc trên, Công an TP.Hà Nội đã khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không mua, sử dụng các loại giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, GCN nghỉ hưởng BHXH… đã có sẵn chữ ký, con dấu. “Mọi hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả sẽ phải chịu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”- đại diện Công an TP.Hà Nội khẳng định.

Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng phá 11 vụ án liên quan đến BHXH. Cụ thể, từ hồ sơ do BHXH huyện Yên Phong cung cấp, Công an huyện Yên Phong đã điều tra, khởi tố 2 vụ về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Công an TX.Từ Sơn đã khởi tố 3/5 bị can do chiếm đoạt số tiền 26,5 triệu đồng từ quỹ BHXH. Gần đây, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá đường dây làm giả giấy ra viện, giấy khám sức khỏe tại một PKĐK thuộc huyện Quế Võ; khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về hành vi giả mạo công tác và làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức…

Theo Công an tỉnh Bắc Ninh, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT vẫn diễn ra phức tạp. Vì vậy, BHXH và Công an các cấp sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT; trao đổi thông tin để có biện pháp kiểm soát GCN nghỉ hưởng BHXH hoặc giấy ra viện trong từng cơ quan, DN. Thường xuyên cung cấp, thông báo cho nhau về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT để có phương án phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm

Theo Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), thời gian qua, tình trạng làm giả GCN để trục lợi chế độ ốm đau, thai sản vẫn xảy ra ở nhiều địa phương có nhiều công nhân như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nam… Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, BHXH các tỉnh đã phát hiện và từ chối thanh toán đối với hàng nghìn trường hợp sử dụng GCN giả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Công an lấy lời khai một đối tượng mua bán giấy tờ giả (Ảnh TL)

Lý giải tình trạng này, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, trước hết là do cách quản lý lao động trong các DN ngày càng “chặt” nên mỗi khi có việc, NLĐ rất khó xin nghỉ dài ngày. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận NLĐ có mục đích trục lợi quỹ BHXH, chưa ý thức được vi phạm mà mình gây ra. Ông Quảng cũng lưu ý, dù với bất kỳ lý do nào, NLĐ cũng không được mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả để trục lợi BHXH, BHYT vì đây là hành vi vi phạm pháp luật. “Nếu NLĐ mua và sử dụng, chắc chắn sẽ mang lại những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và cả đơn vị SDLĐ”- ông Quảng nhận định.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), việc làm giả GCN nghỉ hưởng BHXH sẽ gây nhiều hệ lụy như: Ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của DN, uy tín của cơ sở KCB, gây thiệt hại cho quỹ BHXH cũng như chính NLĐ. Bởi lẽ, khi bị cơ quan BHXH phát hiện và từ chối thì coi như NLĐ mất cả “chì lẫn chài”, có thể bị DN sa thải hoặc vướng vòng lao lý. “Với việc ứng dụng CNTT cùng với chuyên môn nghiệp vụ vững vàng của cán bộ BHXH, có thể khẳng định, không có trường hợp chứng từ giả nào có thể lọt qua được. Vì vậy, NLĐ cần hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của bản thân để tránh… tiền mất tật mang”- ông Thọ nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ trục lợi BHXH, ông Thọ cũng đề nghị BHXH các địa phương cần tích cực kiểm tra, đôn đốc các đơn vị SDLĐ có phương án xử lý, ngăn chặn kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn quỹ BHXH. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho NLĐ, tránh để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện các hồ sơ nghi vấn giả mạo, cần phối hợp với cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm.

Thanh Hằng

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu có tình tiết giảm nhẹ; bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi có hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Về khung hình phạt tăng nặng, người phạm tội có hành vi sử dụng và làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm như có tổ chức, tái phạm nhiều lần, gây thiệt hại nghiêm trọng…

 

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/