Triển khai gói hỗ trợ người lao động khó khăn bởi COVID-19

27/07/2021 11:41 AM


BHXH tỉnh nỗ lực triển khai gói hỗ trợ đến với người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Ảnh: THÁI HÀ

Nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch đối với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, BHXH tỉnh đã và đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Khó khăn chồng chất

Từ khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh, hầu hết hoạt động thương mại, dịch vụ tạm ngưng khiến hàng ngàn người lao động mất việc, mất thu nhập và rất cần hỗ trợ. Dù đối tượng được nhận hỗ trợ là ai, mức hỗ trợ là bao nhiêu, điều cốt yếu là phải kịp thời đến với người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

Công ty TNHH Hoàng Long Vina hiện có 80 người lao động. Mặc dù tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì hoạt động. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, doanh nghiệp tuân thủ các quy định phòng, chống dịch và chia ca làm việc. Trong đó, 50% lao động chỉ làm việc nửa thời gian nên thu nhập giảm sút, một số công nhân ở trong khu phong tỏa phải nghỉ việc.

“Chúng tôi đã được thông tin về gói hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 và mong muốn được nhận càng sớm càng tốt vì hiện doanh nghiệp đang bị bủa vây bởi rất nhiều khó khăn. Giá vật tư tăng, việc vận chuyển và tiêu thụ khó khăn, tài xế lái xe chở hàng cứ 3 ngày phải test COVID-19 một lần… Công nhân không làm việc đủ thời gian, nhiều người trong khu phong tỏa không thể làm việc, mất thu nhập”, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Long Vina cho biết.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nhiều giáo viên mầm non dạy ở trường tư thục mất việc. Chồng mất, chị Lê Thị Phương Loan (phường 9, TP Tuy Hòa) là lao động chính trong gia đình. Chị đang nuôi hai con nhỏ, ở nhà thuê, nay việc cũng mất nên cuộc sống càng khó khăn. “Năm trước, khi bùng dịch, trường cắt hợp đồng, cắt luôn chế độ bảo hiểm y tế. Sau đó dịch tạm yên, tôi mới đi dạy trở lại một thời gian thì dịch bùng lên lần nữa, tôi mất việc dài hạn luôn. Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non cho đến khi dịch được kiểm soát”, chị Loan chia sẻ.

Trước tình hình khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng thực hiện xác nhận 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác đến người lao động và người sử dụng lao động.

Nỗ lực triển khai nhanh chóng, kịp thời

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 9/7, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ đạo: “Việc triển khai hỗ trợ phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Phải chủ động trong việc xác nhận, tiếp nhận hồ sơ đề nghị, không để tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại đề nghị bổ sung”.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phan Ngọc Luận cho biết, sau buổi họp trực tuyến, BHXH tỉnh có văn bản yêu cầu các phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện, thị xã thực hiện việc xác nhận và tiếp nhận hồ sơ đề nghị của đơn vị theo đúng quy trình, quy định và không được phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào. Trước khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị của đơn vị, cơ quan BHXH phải kiểm tra đầy đủ thủ tục hồ sơ, đối tượng, điều kiện hỗ trợ, không để tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại để bổ sung. Đối với hồ sơ kiểm tra không đủ điều kiện thì phải ghi rõ lý do và giải thích, hướng dẫn đơn vị thực hiện đúng quy định. Trường hợp người lao động nghỉ việc, di chuyển hoặc giải quyết chế độ BHXH thì xử lý nhanh để người lao động được xác nhận sổ BHXH…

Đến hết ngày 18/7, BHXH tỉnh đã thông báo số tiền được giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến hơn 1.300 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo phải quyết liệt, khẩn trương.

Theo ông Phan Ngọc Luận, khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người sử dụng lao động và người lao động, các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh phải thực hiện trên tinh thần, trách nhiệm cao nhất; tạo điều kiện thuận lợi nhất; phối hợp kịp thời, linh hoạt giữa các bộ phận nhằm giảm thời gian tối đa để người lao động, người sử dụng lao động sớm nhận được nguồn hỗ trợ. “Chúng tôi hy vọng, nỗ lực của ngành BHXH sẽ giúp triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ đến với người lao động và người sử dụng lao động, đúng với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; qua đó giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra”, ông Luận nói.

Dự kiến, số lao động trên địa bàn tỉnh được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hơn 29.000 người với tổng số tiền tạm tính trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022) là hơn 8 tỉ đồng. Cùng với việc thực hiện chính sách điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHXH tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung xác nhận danh sách người lao động tham gia đào tạo; chi kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Việc xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, danh sách người lao động ngừng việc... cũng đang được toàn ngành BHXH tỉnh khẩn trương thực hiện. Đến ngày 14/7, toàn tỉnh đã có 30 đơn vị với hơn 1.000 lao động báo giảm nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng dịch COVID-19. Những đơn vị này chủ yếu thuộc khối trường mầm non tư thục, khách sạn, nhà hàng, vận tải, du lịch.

Chúng tôi hy vọng, nỗ lực của ngành BHXH sẽ giúp triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ đến với người lao động và người sử dụng lao động, đúng với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; qua đó giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Thái Hà