Để chính sách hỗ trợ thật sự đi vào cuộc sống

27/07/2021 08:31 AM


Nhân viên bưu điện cấp phát tiền hỗ trợ người dân xã Ðông Vinh, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) gặp khó khăn do Covid-19. Ảnh: MAI LUẬN

Bước vào những ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã đề nghị bổ sung vào chương trình giám sát nội dung giám sát gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng được Chính phủ ban hành tháng 7 vừa qua.

Đây là hai gói hỗ trợ cấp bách nhằm tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp (DN) trước sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong đó, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành rất kịp thời nhưng kết quả triển khai lại không được như kỳ vọng.

 Sau hơn một năm thực hiện, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp và chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Thí dụ, gói hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng việc làm chỉ thực hiện được khoảng 36,5% quy mô thiết kế. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ giải ngân được 0,26% quy mô, tương ứng với 245 DN, hộ kinh doanh được vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng. Đây là con số quá ít so với hơn 10 triệu lao động bị ảnh hưởng từ việc làm đến thu nhập do tác động của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Nguyên nhân quan trọng là do công tác triển khai thực hiện còn lúng túng, xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp bối cảnh, tình hình. Do đó, ngân sách nhà nước đã bố trí nguồn nhưng giải ngân cho đối tượng thụ hưởng thấp, không đạt được mục tiêu như dự kiến cho dù đây là chính sách mang tính thời điểm, giải quyết tình huống cấp bách.

Bài học kinh nghiệm trong triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đã được đúc kết để Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP triển khai thực hiện trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Theo đó, thiết kế chính sách đã cụ thể hơn, bao phủ đến các đối tượng cần hỗ trợ với mục tiêu bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục là một ẩn số thách thức sự phát triển của tất cả quốc gia trên thế giới, đòi hỏi các chính phủ phải kịp thời có chính sách phòng, chống dịch hiệu quả song hành cùng chính sách phát triển kinh tế. Đối với nền kinh tế Việt Nam, quá trình phục hồi và phát triển phụ thuộc phần lớn vào kết quả phòng, chống dịch và sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong giảm tác động tiêu cực của đại dịch đến đời sống kinh tế - xã hội và sự hoạt động của khu vực sản xuất, kinh doanh.

Sau hơn một năm cầm cự, sức khỏe của cộng đồng sản xuất, kinh doanh đã suy kiệt, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khu vực kinh tế và lao động phi chính thức. Trong bối cảnh đó, vấn đề an sinh xã hội trở nên rất quan trọng, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ phải thật sự đi vào cuộc sống.

Theo https://nhandan.vn