Dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định về BHXH, BH thất nghiệp

09/06/2021 10:05 AM


Ngày 7/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg về việc Ban hành Danh mục Văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Theo đó, sẽ có 16 Luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; 12 Nghị định do Chính phủ ban hành và 04 Thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành.

Cụ thể, theo Quyết định số 889/QĐ-TTg, các Luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới gồm Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019); Luật Giá năm 2012; Luật Điện lực năm 2004; Luật BHXH năm 2014; Luật Đất đai năm 2013; Luật Nhà ở năm 2014; Luật Luật Việc làm năm 2013; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015...

Liên quan đến BHXH, BH thất nghiệp, tại Luật Việc làm năm 2013, dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định để xử lý các vấn đề sau phù hợp với thực tiễn theo kiến nghị tại Mục II.5.2.2, phần B Báo cáo số 442/BC-CP về đối tượng tham gia BH thất nghiệp; điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; những bất cập trong chính sách BH thất nghiệp phát sinh trong thời gian Luật đi vào cuộc sống sau khi ban hành (thời gian trình Chính phủ hồ sơ đề nghị vào tháng 2/2022).

Tại Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, dự kiến sửa đổi, bổ sung nhằm xử lý quy định hạn chế chủ thể tham gia dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (theo kiến nghị tại Mục II.5.2.1, phần B Báo cáo số 442/BC-CP) về xây dựng Đề án tổng kết, đánh giá việc thực thi để xem xét, đề xuất xây dựng Luật An toàn, vệ sinh lao động (sửa đổi) năm 2021 (thời gian trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật vào giai đoạn 2021-2025).

Tại Luật BHXH năm 2014, dự kiến sửa đổi, bổ sung theo định hướng cải cách tại Mục III Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII về Cải cách chính sách BHXH theo kiến nghị tại Mục II.5.2.3, phần B Báo cáo số 442/BC-CP (theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021): Giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần, sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ… (dự kiến thời gian trình Chính phủ hồ sơ đề nghị là tháng 6/2021).

Căn cứ Danh mục, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý tại các Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua hoặc cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các năm tiếp theo đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã có trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022 và các năm tiếp theo. Khẩn trương xử lý các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật cùng với các vấn đề đã được nêu tại Danh mục trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/