Đề xuất nới lỏng điều kiện tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất
02/06/2021 10:39 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến trình Chính phủ sửa đổi quy định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.
Bộ đề xuất nhóm thụ hưởng đợt này là doanh nghiệp giảm 10% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4/2021. Số lao động bao gồm ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương. Thời gian doanh nghiệp tạm dừng đóng không quá 6 tháng kể từ lúc nộp hồ sơ đề nghị và tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải giảm 20% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm cơ quan thẩm quyền công bố dịch thì mới được hưởng chính sách, song không quá 3 tháng từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng. Tuy nhiên, khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy 44% trong số 12.000 doanh nghiệp trả lời khó tiếp cận chính sách này.
Công nhân làm việc trong xưởng may ở Bắc Giang, trước thời điểm đại dịch xuất hiện. Ảnh: Hanh Pham
Đồng ý với chủ trương của Bộ, song Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan quản lý hai quỹ trên đề xuất bổ sung điều kiện với nhóm thụ hưởng. Theo đó, chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khách sạn, nhà hàng, du lịch, giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 4/2021.
Dự kiến khoảng 39.000 doanh nghiệp với 1,15 triệu lao động được tạm ngừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 8.450 tỷ đồng nếu áp dụng điều kiện cơ quan này đưa ra.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau một năm thực hiện Nghị quyết 42, cơ quan này đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho hơn 1.800 doanh nghiệp, tương ứng 192.000 lao động với số tiền tạm dừng 786 tỷ đồng.
Trong khi đó tính đến hết tháng 3/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Hai phần ba trong số này thuộc độ tuổi từ 24 đến 54. Cụ thể hơn nửa triệu người bị mất việc; 2,8 triệu người tạm dừng sản xuất; 3,1 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc giãn việc và 6,5 triệu người giảm thu nhập.
5 tháng đầu năm, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đánh giá, khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng.
Theo quy định hiện hành, hằng tháng doanh nghiệp đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động với mức 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp; 3% vào quỹ bảo hiểm y tế. Người lao động, đóng trên mức tiền lương tháng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp; 1,5% vào quỹ bảo hiểm y tế.
Theo https://vnexpress.net/
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...
BHXH huyện Sơn Hòa hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia ...