Năm 2021: Phát triển ASXH bền vững với trụ cột cơ bản BHXH và BHYT

30/12/2020 08:06 AM


Đây là thông tin Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2021.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhìn lại 4 năm qua và năm 2020 trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế; ASXH được đảm bảo, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng; uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng lên. 

Năm 2020 trước nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid, Chính phủ đã kiên định thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, đảm bảo quyền ASXH của mọi người dân theo Điều 34 của Hiến pháp. Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; mức thụ hưởng chính sách ASXH không ngừng được nâng cao. Đến nay 99,7% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo; 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; NCT, NKT được quan tâm, trợ giúp theo quy định. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao (đứng thứ 110 trong 189 quốc gia). Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều nhanh, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu Thiên niên kỷ là 1/30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. 5 năm cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Chính phủ và các địa phương trong đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ 31.500 tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, NLĐ, trong đó ngân sách chi trực tiếp 12.900 tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng, trên 70.000 người Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước dành nhiều quan tâm  và đón từ nước ngoài về, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn. Cụ thể, độ bao phủ ASXH đối với người già, NLĐ khu vực nông nghiệp, phi chính thức còn thấp. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào DTTS còn cao (chiếm 55%). Chênh lệch giàu nghèo, mức hưởng thụ, hệ số GINI cao (0,39) làm giảm hiệu quả giảm nghèo và triển vọng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao (32%); việc làm chưa thực sự bền vững.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị, trước hết cần tập trung phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững ASXH với 3 nội dung cơ bản đó là kỹ năng lao động, việc làm thoả đáng, ASXH bền vững, cùng với 2 trụ cột cơ bản là BHXH và BHYT; xây dựng mạng lưới ASXH rộng lớn để bảo vệ những người yếu thế trong xã hội, bao gồm cả 3 khâu (phòng, chống và khắc phục rủi ro). Bên cạnh đó, chăm lo cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng theo pháp lệnh sửa đổi; mở rộng và nâng dần mức thụ hưởng của người nghèo, NKT, người già, nhất là người già neo đơn...

Cùng với đó, các địa phương cũng quan tâm 3 vấn đề cơ bản, trong đó có giải quyết tận gốc đói nghèo thông qua tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế là chìa khoá để thoát nghèo; phân công vùng kinh tế giàu, người giàu giúp đỡ vùng nghèo, người nghèo, phân công đảng viên giúp đỡ cụ thể người nghèo; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng lao động, đào tạo và đào tạo lại người học gắn nhu cầu thị trường; phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ và phát triển; tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…

Theo http://baobaohiemxahoi.vn