Chúng ta phải tiếp tục mở rộng độ bao phủ BHYT lên 100% trong thời gian sớm nhất

28/12/2020 02:37 PM


"Chúng ta phải tiếp tục mở rộng độ bao phủ BHYT lên 100% trong thời gian sớm nhất; đồng thời phải sớm thực hiện thông tuyến, mở rộng phạm vi thanh toán BHYT, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn; hướng tới trẻ em dưới 16 tuổi cần được Nhà nước chi trả BHYT hoàn toàn"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, diễn ra sáng nay (28/12).

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) 5 năm 2016-2020, nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. “Nhìn lại cả chặng đường đã đi, tôi vui mừng được chia sẻ rằng, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ”- Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, biên cương, bờ cõi được giữ vững, niềm tin được củng cố, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên. Riêng năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều nước rơi vào suy thoái, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng dương và đã đạt được mục tiêu kép, đó là vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh. Qua đó, thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội. Những thành quả đó cho thấy, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên.

Từ đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp; đồng thời cũng là dịp tinh thần đoàn kết dân tộc lại trỗi dậy. Đáng chú ý, sự tăng trưởng bứt phá của các địa phương mới nổi là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác tự tin vượt lên chính mình. Giờ đây, tăng trưởng kinh tế đã không còn phụ thuộc nhiều vào một thành phần kinh tế nào. Trong khi đó, do tham gia nhiều hiệp định FTA, Việt Nam không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống, đồng thời chú trọng hơn thị trường trong nước.

“Tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa, vì phía sau đó là những nỗ lực bền bỉ của những ngày lao động cần cù, vất vả của người dân, DN và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, GDP không tính đến tuổi thọ và sức khỏe của người dân, không đo lường được sự tận tụy, cống hiến của CBCCVC, không đong đếm được tình người trong bão lũ ở miền Trung và đại dịch COVID-19 vừa qua và không thể phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của chế độ ta”- Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, đây chính là lý do để chúng ta bổ sung thêm nhiều tiêu chí, nhất là về việc làm và thu nhập trong phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng vì vậy, trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới, giúp thu nhập và đời sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Hiện nay, thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%. “Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD”- Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Việt Nam cũng đạt được nhiều tiến bộ về xã hội, trong đó tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3%, trong khi 5 năm trước là 10%... 

Dẫn chứng một số chỉ tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trở thành mũi nhọn tại một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; nhiều sản phẩm hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất hay thương hiệu Việt Nam, “made in Việt Nam” đã vươn ra thị trường toàn cầu…

Nhấn mạnh việc Chính phủ luôn nhận diện rõ những hạn chế, khó khăn, Thủ tướng chỉ rõ: Tăng trưởng kinh tế vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững; không phải địa phương nào cũng tìm được động lực tăng trưởng tương xứng với tiềm năng, nhất là các tỉnh vùng sâu, miền núi… Do đó, đây là thời điểm chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, tin vào bản lĩnh, khí phách của dân tộc để có thể làm tốt hơn nữa.

Thủ tướng lưu ý, Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu KTXH khác. “Để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu KTXH khác”- Thủ tướng nêu rõ.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, chúng ta phải tiếp tục mở rộng độ bao phủ BHYT lên 100% trong thời gian sớm nhất; đồng thời phải sớm thực hiện thông tuyến, mở rộng phạm vi thanh toán BHYT, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn; hướng tới trẻ em dưới 16 tuổi cần được Nhà nước chi trả BHYT hoàn toàn. Cùng với đó, xây dựng lưới ASXH rộng lớn để bảo vệ những người yếu thế trong xã hội; cùng với BH hưu trí, BH thất nghiệp cũng rất quan trọng để giúp NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm được một cơ hội việc làm mới.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn