Để tuổi già thêm an vui

25/12/2020 09:27 AM


Không có thu nhập ổn định, sức khỏe giảm sút, trở thành gánh nặng của con cái khi về già… là những nỗi lo chủ yếu của người cao tuổi. Đối với nhiều người, chính sách BHXH, BHYT đã giúp họ giải tỏa nỗi lo ấy để hưởng trọn niềm vui khi tuổi xế chiều. Sống khỏe khi về già

Trong bối cảnh già hóa dân số tăng nhanh như hiện nay, chính sách BHXH, BHYT đã trở thành chỗ dựa vững chắc của nhiều người, nhất là với những người tuổi cao, sức yếu. Bà Nguyễn Thị Hiền- cư trú tại Khu tập thể Học viện Hậu cần (quận Long Biên, Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Dù đã nghỉ hưu 30 năm, nhưng bà Hiền cùng chồng mình không phải lo lắng nhiều về chuyện tiền bạc. Cả 2 ông bà đều đã qua tuổi thất thập, cùng có quãng thời gian dài công tác tại Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Đối với bà, khoản lương hưu gần 15 triệu đồng/tháng của 2 ông bà đủ để đảm bảo chi tiêu hằng ngày; lúc ốm đau lại có BHYT chi trả 100% cho đối tượng có công với cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Hiền (giữa) cảm thấy yên tâm bởi vợ chồng bà đều có lương hưu và thẻ BHYT

Bà Hiền chia sẻ: “Tôi nghỉ hưu từ năm 1991. Mức lương hưu hiện nay giúp tôi chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày. Tuổi tác khiến 2 vợ chồng tôi thường xuyên phải khám định kỳ ở BV, nhưng chẳng mấy khi phải để ý đến chi phí nhờ được quỹ BHYT chi trả 100%. Mới đây, chồng tôi phải phẫu thuật đục thủy tinh thể ở BV Quân y 108 và được BHYT chi trả 100%. Cuộc sống về già được như thế này là mãn nguyện lắm rồi”. “BHXH, BHYT thực sự là chỗ dựa, đảm bảo đời sống, sức khỏe cho những CBVC, NLĐ và rất nhiều người cao tuổi như tôi”- bà Hiền nói tiếp.

Không chỉ vợ chồng bà Hiền, rất nhiều người cao tuổi- những cựu chiến binh khác từng có thời gian dài khoác lên mình màu áo lính cũng chung cảm xúc khi nói về chính sách BHXH, BHYT.

Thách thức già hóa dân số

Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, trong thế kỷ XXI, dân số bị già hóa đã vượt so với thế kỷ trước. Hiện, trung bình cứ 9 người trên trái đất có một người từ 60 tuổi trở lên. Trong khoảng 30 năm nữa, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ gấp đôi, từ 11-22%.

Còn theo Tổng cục Dân số, Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp (115 năm), Australia (73 năm)..., thì tại  Việt Nam, quá trình này chỉ khoảng 26 năm.

Nhận định về những thách thức của tình trạng già hóa dân số nhanh ở nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Họ thường phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh. Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, người cao tuổi là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận. “Thời gian tới, Đảng, Nhà nước và nhân dân phải quan tâm chăm lo sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần cũng như phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của bản thân mỗi người khi bước vào giai đoạn cuối của đời người”- ông Lợi nhấn mạnh.

Quang Hùng

Theo thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam, đến nay cả nước đã có 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; trên 1,6 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng (10 tỉnh, thành phố có quyết định nâng mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, cao hơn mức quy định chung 270.000 đồng/tháng của Nhà nước); gần 1,4 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã có Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025, theo đó phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu 100% người cao tuổi có BHYT. Đến nay, cả nước đã có 10,8 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT (chiếm 96% tổng số người cao tuổi).

Theo http://baobaohiemxahoi.vn