Hiểu đúng nghị định để không vi phạm khi đốt pháo

04/12/2020 02:55 PM


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được sử dụng pháo hoa trong các sự kiện như lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi...

Đốt pháo hoa khi tổ chức tiệc cưới. Ảnh: TRANG HUYỀN

Sau nhiều năm cấm đốt pháo, nay nghị định này được ban hành đưa đến nhiều luồng ý kiến trong dư luận xã hội. Nhiều người cho rằng từ nay vào các dịp lễ, Tết có thể thoải mái đốt pháo mà không lo bị phạt như lâu nay, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh trật tự.

Nghị định 137 có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, đúng vào dịp gần Tết Nguyên đán Tân Sửu, thời điểm rất nhiều gia đình có nhu cầu đốt pháo. Năm đầu có thể mọi người sẽ nghiêm túc thực hiện nhưng các năm tiếp theo e là sẽ có nhiều bất cập trong quản lý việc mua, bán, sử dụng và cả sản xuất pháo hoa.

Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu giải thích không rõ pháo hoa là như thế nào và không phân biệt được pháo hoa và pháo hoa nổ thì dễ gây ra nhầm lẫn, nhiều người sẽ vô tình bị phạm luật. Đáng chú ý, có không ít người đang hiểu sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa, là không đúng. Cùng với đó, nhiều người còn băn khoăn muốn đốt pháo hoa có phải đăng ký với chính quyền?

Thực tế, những loại pháo hoa theo khái niệm quy định tại nghị định đã được sử dụng rộng rãi và không bị xử phạt, có thể kể đến như những loại que khi đốt sẽ phụt ra các tia sáng mà các cửa hàng thường bán kèm với bánh sinh nhật hoặc các loại pháo hoa khi đốt sẽ tạo ra hiệu ứng dùng trong các tiệc cưới hay hội nghị.

Tôi đồng tình là phải cấm tiệt việc tự sản xuất pháo vì rất nguy hiểm và phải mua ở các cơ quan nhà nước được cấp phép, tổ chức cá nhân nào làm lậu phải xử thật nặng. Bán vài bánh pháo mà phải đi tù thì chẳng ai dám bán cả. Theo khoản 2 Điều 14 của Nghị định 137, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.

Cơ sở kinh doanh phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường. Nghị định cũng nhấn mạnh chỉ được kinh doanh những loại pháo hoa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Nhiều năm nay, Nhà nước cấm đốt pháo, nhưng giao thừa Tết nào người ta cũng nghe râm ran tiếng pháo nổ, nhất là ở các vùng nông thôn. Nhiều người lén lút đốt pháo, lực lượng chức năng chặn đầu này thì chạy đi đốt ở đầu kia.

Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, việc đốt pháo trong những ngày Tết, lễ hội... là tập quán lâu đời của người dân, do đó việc cho phép người dân đốt pháo hoa là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khi đốt pháo hoa, người dân cần phải phân biệt rõ pháo nổ và pháo hoa; trong pháo hoa có pháo tầm thấp và pháo tầm cao - là các loại pháo thường được Nhà nước tổ chức đốt trong các lễ hội, Tết như lâu nay.

Còn pháo hoa quy định tại Nghị định 137 cho phép người dân đốt trong dịp lễ, Tết là sản phẩm tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Vì vậy cần hiểu rõ nghị định để không vi phạm.

Ngoài những nội dung quy định tại Nghị định 137, việc cho phép đốt pháo hoa cần kèm theo các điều kiện khác, như: đốt ở không gian nào, bao nhiêu phút và người đốt phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Ngày xuân mà không có pháo thì buồn lắm. Nhớ ngày còn nhỏ, gia đình tôi dù không khá giả gì nhưng Tết năm nào ba tôi cũng chuẩn bị vài phong pháo đốt vào thời khắc giao thừa và sáng mùng 1. Từ nay cho phép đốt pháo hoa, Tết sẽ vui và ý nghĩa hơn.

Theo http://www.baophuyen.com.vn/