BHYT HSSV: Góp phần thực hiện BHYT toàn dân

20/11/2020 11:43 AM


Học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được xem là nhóm trọng tâm, cần đạt tỷ lệ tham gia 100% BHYT trước khi Việt Nam hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Không chỉ có ưu thế về điều kiện thuận lợi trong mở rộng độ bao phủ (tập trung, dễ truyền thông), việc thực hiện BHYT HSSV còn mang lại ý nghĩa xã hội rất lớn. Thực hiện tốt BHYT HSSV không chỉ tạo ra nguồn lực để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, mà còn gián tiếp góp phần phát triển thế hệ trẻ- nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Chăm sóc toàn diện thế hệ trẻ

Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, việc thực hiện BHYT HSSV trong những năm qua dần được hoàn thiện với những quy định pháp lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa cơ quan BHXH, ngành Giáo dục và ngành Y tế. Sau 17 năm thực hiện theo hình thức tự nguyện, với những điều chỉnh trong Luật BHYT 2008, từ ngày 1/1/2010, HSSV đã trở thành nhóm đối tượng "có trách nhiệm" tham gia BHYT. Tiếp đến, với sự điều chỉnh trong Luật BHYT 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), HSSV trở thành đối tượng “bắt buộc” tham gia BHYT.

Trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, HSSV tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020. Với nhóm đối tượng HSSV, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% HSSV tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV.

Có thể nói, việc đặt trọng tâm vào nhóm đối tượng tiềm năng này không chỉ thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, mà còn hướng tới mục tiêu: thông qua BHYT bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất.

Trước hết, về phương diện mở rộng độ bao phủ dân số trong mục tiêu BHYT toàn dân, kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách đặt vào thế hệ trẻ đã khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ từ kết quả tổ chức, thực hiện BHYT HSSV cụ thể qua các năm học với tỷ lệ HSSV tham gia không ngừng tăng. Nếu như năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT, thì đến năm học 2012-2013 đã đạt khoảng 80%; năm học 2013-2014 đạt 85%; năm học 2014-2015 đạt 88,5% (tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV); năm học 2015- 2016 đạt 90,5% (tương ứng khoảng 15,6 triệu em) và cho đến năm học 2016- 2017 tỷ lệ bao phủ đạt khoảng đã đạt 92,5% (tương ứng khoảng 15,9 triệu HSSV). Tỷ lệ bao phủ tăng lên 93,5% năm 2017-2018 và đạt tỷ lệ 95,3% trong năm 2018-2019. Trong năm học 2019- 2020, nhiều trường học và một số địa phương đã tiến sát đến mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT.

Với ý nghĩa tạo nguồn quỹ chăm lo sức khỏe- nền tảng phát triển nguồn nhân lực khỏe mạnh cả về tinh thần và thể chất cho đất nước, BHYT HSSV cũng cho thấy lợi thế của mình với những hiệu quả thiết thực. Giống như mọi đối tượng tham gia chính sách nhân văn này, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được tăng lên, HSSV cũng đang được hưởng nhiều lợi ích từ quỹ BHYT, từ chăm sóc chăm sóc sức khỏe ban đầu đến KCB.

Đặc biệt, nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng các dịch vụ y tế từ quỹ BHYT. Qua việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu được trích từ phần đóng BHYT của HSSV để lại cho nhà trường đã kịp thời hỗ trợ các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau. Mặc dù Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường đang được bảo đảm phần lớn bởi nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học, trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HSSV đầu năm học, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh. Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, sự chăm sóc y tế dành cho HSSV thường xuyên, liên tục từ khi bắt đầu bước vào môi trường trường học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu không chỉ giúp các em được khám, phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường liên quan đến thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống… mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm để có phương án điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Thực trạng nhiều dịch bệnh diễn tiến phức tạp thời gian qua, công tác y tế trường học với nguồn tài chính từ quỹ BHYT đã thể hiện vai trò quan trọng, đồng hành trong hoạt động truyền thông, phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong nhà trường và cộng đồng

Quỹ BHYT cũng giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí KCB. Đã có hàng chục triệu lượt HSSV được quỹ BHYT chi trả kinh phí KCB tại các cơ sở y tế, trong đó nhiều em mắc các bệnh hiếm, bệnh nan y, bệnh mạn tính đã được thanh toán đến hàng tỷ đồng... Đặc biệt, trong khi quỹ BHYT ở hầu hết các nước trên thế giới chưa chi trả cho các căn bệnh hiếm, thì quỹ BHYT của Việt Nam đã chi trả đến 30%...

Tạo chuyển biến trong nhận thức toàn xã hội

Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc phát triển BHYT HSSV những năm vừa qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó thể hiện trước hết ở nhận thức của những người làm công tác BHYT cho HSSV, từ cơ quan BHXH, cơ sở GD-ĐT, và đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh- những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục cho con em- được nâng lên một bước đáng kể. Chúng ta có thể thấy sự chuyển động tích cực trong nhận thức của cả hệ thống là tất cả các bên liên quan đều ý thức sâu sắc BHYT là quyền lợi gắn bó thiết thực với quyền lợi trẻ em, và không còn xuất hiện “lựa chọn ngược”. Từng có trường hợp phụ huynh vì con mắc bệnh trọng, cần điều trị chi phí lớn đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua BHYT cho cả lớp tham gia BHYT, mục tiêu là để con mình được điều trị theo BHYT. Hiện nay, nhận thức của cha mẹ được nâng lên, chủ động tham gia BHYT cho con ngay từ khi còn khỏe mạnh. Đối với HS, quá trình giáo dục công dân ở nhà trường cũng nâng tầm hiểu biết của các em. HS ngay từ bậc học phổ thông cũng có ý thức về thông báo cho bố mẹ, những người bảo trợ mình về việc tham gia BHYT HS như một nghĩa vụ, trách nhiệm chia sẻ cộng đồng trong tập thể lớp.

Những thuận lợi cũng như khó khăn dần được tháo gỡ trong quá trình vận động tham gia BHYT HSSV, đã tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tích cực. Đó là góp phần tạo thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với chính sách BHYT, thu hút ngày càng nhiều người dân quan tâm đến quyền lợi của mình, đến "quyền" được tham gia BHYT để bảo vệ bản thân và chia sẻ cộng đồng.

Mặc dù, toàn quốc chỉ còn một số HSSV chưa tham gia BHYT, nhưng điều đó cũng có nghĩa mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT vào năm 2017 mà Chính phủ đã đặt ra đã có "độ trễ". Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự nhận thức chưa đủ của một số ít người dân với chính sách BHYT. Do đó, mục tiêu BHYT toàn dân nói chung, bao phủ BHYT đến 100% HSSV nói riêng sẽ cần sự thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa của toàn xã hội đối với chính sách BHYT, mà không trộn lẫn chính sách an sinh xã hội này với bất kỳ loại hình BH sức khỏe thương mại nào khác.

Cụ thể, điều kiện đầu tiên là cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền với tổ chức thực hiện chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng.Triển khai thực hiện tốt chính sách BHYT HSSV tại từng địa phương.

Cơ quan BHXH cũng cần phát huy tính chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT HSSV. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan liên quan, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách thông qua cải cách hành chính, chuyển mạnh sang tinh thần phục vụ đúng nghĩa...

Bên cạnh đó, chúng ta phải giữ vững và nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, của người dân nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về trách nhiệm, ý thức tham gia BHYT, lợi ích khi tham gia BHYT để tham gia thường xuyên qua tuyên truyền, qua việc hiện thực hóa, hành động thiết thực của các cơ quan có liên quan...

Trên cơ sở Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành GD-ĐT tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV, cần tạo ra sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng hơn giữa cơ quan BHXH với các cơ sở giáo dục trong thực hiện mục tiêu chung này. Cần đưa chương trình giáo dục về an sinh xã hội nói chung, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục tại các nhà trường. Giáo dục tuyên truyền để cho HSSV của chúng ta làm chuyển biến nhận thức là những điều hết sức quan trọng và đây không phải là trách nhiệm cá nhân mà còn phải thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng. Định hướng với nhà trường, các cơ quan quản lý nhà nước để đưa ra hoàn thiện về thể chế (xác định các điều kiện khả thi, hướng dẫn cụ thể tổ chức thực hiện) để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả tại nhà trường; nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/