Đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa, góp phần để Việt Nam chinh phục mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030

16/07/2020 08:50 AM


“Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân” – đây là mục tiêu chung được đặt ra tại Đề án Khám, chữa bệnh từ xa mà Bộ trưởng Bộ Y tế vừa phê duyệt.

(Ảnh minh họa)

Xây dựng, ban hành Đề án Khám, chữa bệnh từ xa: Việc cần thiết, cấp bách

Trong thời gian qua, ngành y tế Việt Nam nói chung, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống khám, chữa bệnh vẫn một số khó khăn, bất cập như: Mô hình bệnh tật kép (bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm); nguồn lực đầu tư cho y tế tuy có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; số giường bệnh/vạn dân thấp hơn so với các nước trong khu vực, phân bố nhân lực y tế không đồng đều, cán bộ có tay nghề cao thường tập trung chủ yếu ở các thành thị, vùng kinh tế, xã hội phát triển, tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến ở nhiều địa phương; nhiều kỹ thuật y học cao đã triển khai nhưng không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và ở các bệnh viện tuyến Trung ương.

Ở tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa có chất lượng dịch vụ y tế thấp hơn hẳn so với vùng kinh tế phát triển, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân hạn chế, dẫn đến sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe, người dân không tin tưởng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến dưới. Việc vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến, nhiều người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương để khám, chữa các bệnh mà có thể được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, gây quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.

Để giải quyết khó khăn, thách thức nêu trên, trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực y tế tuyến dưới thông qua việc Bộ Y tế đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến, hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ theo Đề án 1816 của Bộ Y tế và các đề án của Chính phủ. Từ năm 2005, thí điểm triển khai mô hình Đề án Bệnh viện vệ tinh tập trung vào ngoại khoa và nội khoa; hoạt động chủ yếu là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị y tế, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa thông qua mạng internet (tele-medicine).

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 92/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020, xác định ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 05 chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; trong đó có hoạt động nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh; tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Kết quả của việc triển khai Mô hình Bệnh viện vệ tinh và Đề án Giảm quá tải bệnh viện theo Quyết định 92/TTg đều rất tốt, các bệnh viện vệ tinh đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ y học, năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao.

Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trợ giúp và trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế áp dụng giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả.

Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định đến năm 2030: “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Theo đó, y tế là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu với việc “phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.

Các hoạt động chính của khám, chữa bệnh từ xa

Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.

09 hoạt động chính của khám, chữa bệnh từ xa

  1. Tư vấn y tế từ xa (tele-health): Thành lập và duy trì bộ phận khám, chữa bệnh từ xa tại bệnh viện; tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sỹ đến người dân bao gồm bác sỹ trong và ngoài nước.
  2. Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa: Từ bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới tới trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám tuyến huyện, xã.
  3. Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa: Giải pháp chẩn đoán hình ảnh từ xa hiện được các nhà cung cấp triển khai ở một địa điểm để gửi hình ảnh chụp của người bệnh cho một chuyên gia chẩn đoán hình ảnh tại một địa điểm khác và nhận được lời khuyên nhanh nhất về tình trạng người bệnh.
  4. Hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh. Giải pháp hội chẩn xét nghiệm, giải phẫu bệnh từ xa cho phép các bác sỹ và chuyên gia trao đổi, chia sẻ kết quả, tình trạng bệnh lý... để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo.
  5. Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa: Giải pháp phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới như robot và trang bị hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị trên thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật.
  6. Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật: Xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau.
  7. Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế, ví dụ: Giải pháp tim mạch từ xa cung cấp hệ thống lưu trữ, chẩn đoán từ xa các vấn đề về tim mạch; đặc biệt, bao gồm hệ thống giải pháp lưu trữ và truyền tải tín hiệu điện tim đồ (ECG), đồng thời cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu cho phép chuyên gia xem từ xa.
  1. Truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.
  2. Xây dựng hướng dẫn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, bao gồm hướng dẫn chuyên môn, chuẩn về phòng khám tư vấn và các chuẩn công nghệ liên quan, bảo đảm việc kết nối phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.

Thành lập mạng lưới bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới

Mạng lưới bệnh viện tuyến trên do Bộ Y tế chỉ định gồm 24 bệnh viện; bao gồm, 18 bệnh viện tuyến trên trực thuộc Bộ Y tế và 06 bệnh viện tuyến trên của TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tiêu chí của bệnh viện tuyến dưới là có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Có năng lực thực hiện các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu; Có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, năng lực chuyên môn; có tiềm năng phát triển các chuyên khoa được lựa chọn; Có tỷ lệ chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến trên cao; Có sự cam kết và quyết tâm tham gia thực hiện đề án của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế và các bệnh viện dự kiến tham gia Đề án; Trường hợp bệnh viện tư nhân, cần có sự cam kết tham gia của lãnh đạo bệnh viện và nhà đầu tư; Các điều kiện khác theo yêu cầu đặc thù của chuyên khoa tuyến dưới.

Hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn khám, chữa bệnh từ tuyến trên cho tuyến dưới hoặc cho các bệnh viện cùng tuyến được tổ chức thực hiện trên cơ sở kết nối giữa bệnh viện với bệnh viện, hoặc giữa bệnh viện - thầy thuốc kết nối tới người dân với các hình thức, nguyên tắc chính như sau:

Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới

Bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh:

Căn cứ trên nhu cầu và khả năng thực tế, bệnh viện tuyến tỉnh lập danh sách các chuyên khoa cần hỗ trợ từ bệnh viện tuyến trên. Bệnh viện tuyến Trung ương sẽ kết nối và hỗ trợ chuyên môn cho một hoặc nhiều bệnh viện tuyến tỉnh.

Bệnh viện tuyến Trung ương phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện:

Các bệnh viện tuyến trên cùng phối hợp để hỗ trợ chuyên môn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối với bệnh viện tuyến huyện trên nền tảng số. Bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực sẽ được nhận sự hỗ trợ trực tiếp, đồng thời của bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh. Việc này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện.

Bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện:

Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tạo liên kết và hỗ trợ, tư vấn theo lịch khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế hoặc tại nhà của bệnh viện tuyến huyện. Người dân tại tuyến y tế cơ sở được hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa bởi các bác sỹ của tuyến tỉnh, hạn chế việc phải đi xa.

Thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ thầy thuốc tuyến dưới

Một thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều thầy thuốc tuyến dưới:

Để bảo đảm chất lượng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, dựa trên nhu cầu thiết yếu, cần thiết của các thầy thuốc tuyến dưới; quy định một thầy thuốc tuyến trên sẽ được đăng ký hỗ trợ, hướng dẫn cho 10 thầy thuốc tuyến dưới tại cùng thời gian, giai đoạn (ví dụ, giai đoạn 06 tháng hoặc 01 năm). Các thầy thuốc tuyến dưới gồm 04 thầy thuốc tuyến tỉnh, 04 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã. Sau mỗi giai đoạn, thầy thuốc tuyến trên nhận xét về năng lực chuyên môn, tính chuyên cần và khả năng đáp ứng của thầy thuốc tuyến dưới. Trong trường hợp thầy thuốc tuyến trên nhận xét thầy thuốc tuyến dưới không phù hợp cho giai đoạn hỗ trợ tiếp theo hoặc đã có đủ trình độ không cần hỗ trợ, thầy thuốc tuyến trên được nhận người khác để thay thế cho người không phù hợp.

Nhiều thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ cho một thầy thuốc tuyến dưới:

Căn cứ vào phạm vi hành nghề, năng lực chuyên môn, nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh viện và người dân; một thầy thuốc tuyến dưới có thể đăng ký để nhận hỗ trợ, hướng dẫn từ nhiều thầy thuốc tuyến trên.

Phân kỳ thời gian triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025

Bên cạnh đó, phân kỳ thời gian triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025, Bộ Y tế đặt ra các cột mốc:

Giai đoạn 2020-2021: Ưu tiên đầu tư các chuyên khoa tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm... Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.

Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên.

Giai đoạn sau năm 2025: Đánh giá hiệu quả hoạt động đề án, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt của Đề án giai đoạn 2020-2025, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế để mở rộng Đề án.

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn