Lao động nữ mang song thai được hưởng chế độ thai sản như thế nào?

27/06/2020 02:28 PM


Bạn Nguyễn Yến (Nam Định) hỏi: Tôi tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 12/2017 đến nay. Hiện, tôi đang mang song thai tháng thứ 6. Vậy, chế độ thai sản của tôi được hưởng gồm những gì và thủ tục như thế nào?

Trả lời:

* Về hưởng chế độ khi khám thai, điều kiện hưởng, thời gian hưởng, trợ cấp một lần khi sinh con

- Điều 32 Luật BHXH quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai:

1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

- Khoản 2, Khoản 3, Điều 31 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

- Khoản 1, Điều 34 Luật BHXH quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

- Điều 38 Luật BHXH quy định về trợ cấp một lần khi sinh con: Lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng NLĐ nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp của bạn, tại thời điểm sinh con, nếu đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản và sinh đôi, thì được nghỉ hưởng chế độ thai sản là 7 tháng và được trợ cấp một lần bằng 4 tháng lương cơ sở tại thời điểm sinh con.

* Về mức hưởng chế độ thai sản:

- Tại Tiết a, Tiết b, Khoản 1, Điều 39 Luật BHXH quy định về mức hưởng chế độ thai sản:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp NLĐ đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các Khoản 2, 4, 5 và 6, Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và Khoản 2, Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

- Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định mức hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Tiết a, Khoản 1, Điều 39 của Luật BHXH và được hướng dẫn cụ thể như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.

Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

* Về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:

Tại Điều 41 Luật BHXH về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản quy định:

1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, Khoản 1 hoặc Khoản 3, Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau, thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại Khoản 1 Điều này do người SDLĐ và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định; trường hợp đơn vị SDLĐ chưa thành lập Công đoàn cơ sở thì do người SDLĐ quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên.

b) Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.

c) Tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở”.

* Về thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con:

Tại Khoản 1, Điều 101 Luật BHXH quy định như sau: 

+ Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con.

+ Bản sao Giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao Giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết.

+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

+ Trích sao Hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh.

+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai.

Để được hỗ trợ, tư vấn và giải đáp về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bạn có thể liên hệ đến Tổng đài của BHXH Việt Nam theo số: 1900.9068.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/