Bảo vệ tốt hơn NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

18/06/2020 08:25 AM


Chiều 17/6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các ĐBQH cơ bản tán thành, khi cho rằng, luật này phù hợp với xu thế hợp tác về chuyển dịch lao động trong khu vực và thế giới trong bối cảnh mới.

 Theo ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), dự thảo luật đã được sửa đổi khá toàn diện, trên cơ sở tổng kết thực tiễn; cũng như nhìn nhận, đánh giá các xu thế hợp tác mới trên thế giới. Đáng chú ý, dự thảo luật cũng đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người Việt Nam lao động ở nước ngoài nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung.

Về đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, tại Điều 22 dự thảo luật quy định giảm thời hạn giải quyết hiện hành từ 10 ngày xuống 6 ngày làm việc. Về vấn đề này, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, việc đăng ký chỉ có hiệu lực sau khi được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận bằng văn bản, thực chất là cơ chế xin-cho. Khi tổ chức lấy ý kiến về dự thảo luật, hầu hết DN hoạt động trong lĩnh vực này đều phản ánh tình trạng xử lý việc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động của DN rất chậm so với quy định của luật, dẫn đến không bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài, gây khó khăn, tốn kém cho DN. Do đó, cần cân nhắc, nghiên cứu chuyển từ cơ chế đăng ký sang cơ chế báo cáo; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý hành vi vi phạm.

Liên quan vấn đề bảo vệ NLĐ Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu quan điểm, NLĐ ở nước ngoài có thu nhập khá ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình họ, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bị lạm dụng, bị bạo lực, xâm hại... “Đề nghị sửa luật lần này cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ NLĐ”- ĐB Tám nói.

Tán thành với việc sửa đổi luật, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhấn mạnh, cần thống nhất quan điểm cần tăng cường về chất lượng hơn là về số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. “Như vậy, đối sách của ta trong luật này phải như thế nào để không bị coi là rào cản; ngược lại, nếu không có quy định chặt chẽ thì Việt Nam lại có nguy cơ bị chảy máu chất xám. Do đó, chúng ta đã có cơ sở để xây dựng pháp luật về vấn đề này phù hợp với nhu cầu trong nước và quốc tế...”- ĐB Nguyễn Minh Sơn nói.

Báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Luật hiện hành từ khi ra đời đã từng bước đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm có khoảng hơn 100.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện có 580.000 người đang lao động ở 43 quốc gia, vùng lãnh thổ- đây là lĩnh vực được quan tâm nên phát triển tương đối nhanh. “Philippines coi đây là ngành công nghiệp, đào tạo cơ bản, bình quân đưa đi lao động 1 triệu người/năm với nguồn thu bình quân cho ngân sách khoảng 20 tỷ USD. Việt Nam khoảng 5 tỷ USD và tỉnh cao nhất xấp xỉ 300 triệu USD/năm”- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, những thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; song cũng mở được một số thị trường mới như: Đức, Ba Lan, Rumania và gần đây là Hungaria. Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức, yếu kém, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, vi phạm hợp đồng, nhiều trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam; riêng đối với huyện nghèo có quan tâm nhưng số lượng lao động được đưa đi không nhiều... Vì vậy, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương có nhiều chấn chỉnh, đã xử phạt tới 118 DN trong tổng số 459 DN.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/