Phải giảm tỉ lệ hộ nghèo và tạo sinh kế cho người dân

13/06/2020 02:34 PM


Thảo luận chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, các ĐBQH cho rằng vùng này luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Hỗ trợ mô hình liên kết người dân- doanh nghiệp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với hơn 16.100 hộ; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế, ổn định đời sống của đồng bào DTTS ở 382 xã biên giới đất liền; góp phần tăng thu nhập bình quân người DTTS trên 2 lần so với 2020. Đồng thời, chương trình cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 3%; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn ĐBKK so với tiêu chí năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện bốn mùa...

Bên cạnh đó sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 12.000 hộ DTTS chưa được ổn định thuộc diện di cư tự phát; định canh, định cư bền vững cho hơn 1.300 hộ DTTS; bố trí ổn định dân cư vùng ĐBKK, biên giới và khu vực nguy cơ cao về thiên tai cho hơn 51.200 hộ. Định hướng mục tiêu đến năm 2030 thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn ĐBKK…

Tán thành với dự án của Chính phủ trình liên quan đến tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, song ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, một trong những khó khăn của vùng đồng bào dân tộc miền núi là sản xuất không có đầu ra, bấp bênh, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Để giải quyết vấn đề này, cần quan tâm hỗ trợ mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để bảo đảm đúng định hướng doanh nghiệp đi đầu, dẫn dắt bà con. Như vậy, doanh nghiệp không cần quá nhiều đất; người dân làm được sản phẩm nào doanh nghiệp thu mua. “Nhà nước nên có giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Cần nghiên cứu triển khai tiểu dự án tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân”- ĐB Trang đề nghị.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ nên phân cấp cho địa phương tự khảo sát, xây dựng đề án cho địa phương, vì mỗi địa phương có tiềm năng, khó khăn riêng, tự xác định cây con có thế mạnh riêng. Việc xác định mẫu số chung về cây con chủ lực sẽ dễ dẫn đến không sát với nguồn lực địa phương và có thể xảy ra tình trạng sản xuất ra hàng loạt cây con, phải giải cứu nông sản…

Còn ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng phạm vi, đối tượng, địa bàn thực hiện Chương trình cần đặt trong mối tương quan với các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện. Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ chỉ tập trung vào vùng dân tộc miền núi có tỷ lệ hộ DTTS miền núi từ 15% trở lên tại các địa bàn các xã, thôn khó khăn khu vực 1, 2 và 3, song việc tích hợp chính sách cần được quan tâm, rà soát kỹ hơn.

Cũng theo ĐB Toàn, giai đoạn 2016- 2020 Việt Nam đang thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Hai chương trình này đã phát huy kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh thoát nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào DTTS miền núi, các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 3% năm 2020 và hiện tại đã có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM. “Với những kết quả đạt được chắc chắn đông đảo cử tri, đặc biệt là nông dân, người nghèo, đồng bào DTTS miền núi khó khăn mong muốn tiếp tục triển khai thực hiện chương trình này trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, 2 chương trình này có thời gian thực hiện đến năm 2020, song đến nay việc đánh giá, tổng kết thực hiện và đề xuất tiếp tục thực hiện các chương trình này chưa được Chính phủ báo cáo Quốc hội”- ĐB Toàn khẳng định.

Cần giám sát ngay từ khi thực hiện chương trình

Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), mục tiêu cuối cùng của Chương trình phải vào được đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thực sự bộ mặt của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vì vậy, những chính sách này phải trực tiếp tới từng gia đình, từng người, nhất là các chương trình, chính sách về bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em. “Đây là chương trình hạt nhân để tất cả chúng ta quan tâm, không chỉ là những chương trình của Chính phủ, Nhà nước mà mọi người khi có tấm lòng quan tâm thì đây là hạt nhân để xã hội tiến bộ hơn”- ĐB Sơn nói.

Đề cập đến nguồn lực thực hiện Chương trình, ĐB Sơn cho rằng, Chính phủ phê duyệt trên 137.000 tỷ đồng là nền tảng chứ chưa thể phúc đáp được các ý tưởng trong Chương trình này. Vì thế, cần huy động từ các doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức và chính quyền các cấp; tỷ lệ gói tín dụng cho người dân trên 19.000 tỷ đồng là ít. Vì vậy, cần hỗ trợ lãi suất để người dân chủ động vay ở các ngân hàng để sản xuất, phát triển nâng cao đời sống, thu nhập cũng như vật chất, tinh thần, văn hóa. “Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, HĐND các cấp cần vào cuộc giám sát việc tổ chức thực hiện ngay từ đầu triển khai, không chủ quan để ảnh hướng đến uy tín của Chương trình, mong muốn của người dân. Ngoài việc Quốc hội bàn cụ thể thì tổ chức, chỉ đạo thực hiện cần quan tâm đồng bộ, không chỉ đồng bào dân tộc miền núi mà các địa phương, tỉnh, thành phố phải tạo điều kiện để hỗ trợ cho Chương trình này”- ĐB Sơn đề nghị.

Dưới góc độ khác, ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị phạm vi áp dụng đối với các xã, thôn có đông đồng bào DTTS nên giảm xuống mức 10% để mở rộng số  thôn, xã được thụ hưởng chính sách. Đặc thù đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào DTTS sống đan xen với người Kinh; nhiều xã có đông hộ đồng bào sinh sống nhưng địa giới hành chính rộng, chưa đủ điều kiện chia tách, nên có xã có trên 6.000 người sinh sống thì đồng bào DTTS chưa đạt tỷ lệ 15%. Chính vì vậy, cần bổ sung quy hoạch khu tái định cư tập trung cho đồng bào DTTS nhằm phát huy hết năng lực sẵn có, đáp ứng nhu cầu đồng bào và bảo đảm khả năng thu hút đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy chương trình cơ cấu kinh tế, các nghề sử dụng nhiều lao động. Chương trình cũng nên tạo điều kiện cho đồng bào được giao lưu, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng thoát nghèo bền vững.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/