Cải thiện điều kiện làm việc để giảm tai nạn lao động

22/05/2020 02:54 PM


NLĐ tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trình diễn cách sơ cấp cứu ban đầu khi NLĐ bị TNLĐ tại hội thi an toàn vệ sinh viên. Ảnh: KIM CHI

“An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “An toàn là hạnh phúc của mọi nhà và mỗi người”… Những câu khẩu hiệu này khá quen thuộc với mọi người, song không phải người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) nào cũng quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gắn với thực tiễn được xem là yếu tố quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Ngay trong Tháng hành động ATVSLĐ năm 2020, tại tỉnh Đồng Nai xảy ra một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) sập công trình đang xây dựng trong KCN Giang Điền ở huyện Trảng Bom, khiến 10 người chết, 15 người bị thương. Có thể nói đây là một vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng. Ngay sau vụ TNLĐ này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện và giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm. Đối với Bộ LĐ-TB-XH, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chỉ đạo các địa phương tăng cường đảm bảo ATLĐ; thường xuyên kiểm tra, thanh tra các công trình xây dựng trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn.

Điều kiện lao động không đảm bảo an toàn

Tại Phú Yên, theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ TNLĐ, làm chết 14 người. Trong đó, khu vực có quan hệ hợp đồng lao động: 28 vụ, làm chết 1 người; khu vực không có quan hệ lao động: 16 vụ, làm chết 13 người. So với năm 2018, số vụ TNLĐ năm 2019 có giảm nhẹ. Gần đây nhất, khoảng 14 giờ ngày 12/5, một vụ TNLĐ thương tâm đã xảy ra tại huyện Sông Hinh. Anh L.T.H (sinh năm 1983, ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) đến chân núi tại xã Ea Bia đục đá, nghi để tìm vàng sa khoáng. Bất ngờ một tảng đá lớn từ trên cao đổ sập xuống vị trí anh H đang đào khiến anh tử vong. Theo ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, anh H là lao động tự do. Do đây là vụ TNLĐ nên cơ quan điều tra đã bàn giao thi thể cho gia đình mai táng.

Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Theo báo cáo của các cơ sở, doanh nghiệp, trong 2 năm 2013-2014, toàn tỉnh xảy ra 61 vụ TNLĐ làm 16 người chết, 13 người bị thương nặng. Số vụ TNLĐ xảy ra trong 2 năm này là tương đối cao. Tuy nhiên trong 3 năm (từ 2015-2017) xảy ra 113 vụ TNLĐ, làm 7 người chết, 18 người bị thương nặng, số vụ TNLĐ tăng nhưng số người chết giảm dần. Còn trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ TNLĐ, làm chết 3 người, bị thương nặng 3 người. Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực khai thác đá xây dựng, xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim... Tần suất TNLĐ chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ (khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất…) giảm dần; đạt mục tiêu chương trình ATVSLĐ tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Về nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, chủ yếu do NSDLĐ không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; do tổ chức lao động và điều kiện lao động; NSDLĐ không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ; thiết bị không đảm bảo ATLĐ... Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ chính bản thân NLĐ vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ.

Đoàn viên, thanh niên, NLĐ huyện Phú Hòa diễu hành hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ. Ảnh: KIM CHI

Xây dựng văn hóa an toàn lao động

Với mục tiêu giảm rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã nâng Tuần lễ ATVSLĐ thành Tháng hành động về ATVSLĐ (được tổ chức vào tháng 5 hàng năm) để tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi người, mọi ngành, đặc biệt là NSDLĐ và NLĐ. Bên cạnh đó, các bộ ngành Trung ương, địa phương cũng đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm liên quan đến công tác ATVSLĐ, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến NSDLĐ và NLĐ.

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu trong điều kiện lao động mới và trong Tháng hành động ATVSLĐ, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị; các hình thức tuyên truyền về ATVSLĐ cũng đã được các tổ chức, đơn vị kịp thời thay đổi theo hướng bám sát yêu cầu thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị mình. Các phong trào, các cuộc vận động, như: “Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ”, “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”… cũng được các cấp, ngành tổ chức thành công, nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, hiệu quả của NSDLĐ và NLĐ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tài Soa, công tác ATVSLĐ là hoạt động mang tính liên ngành, do đó các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và chung tay thực hiện mới tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của các tổ chức, doanh nghiệp, NLĐ và sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng. Về phần mình, ngành LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung đổi mới và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ đến NSDLĐ và NLĐ để họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm, những việc phải làm nhằm bảo đảm sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của NLĐ, giúp doanh nghiệp, xã hội phát triển một cách bền vững.

Cũng theo ông Soa, thời gian tới, quy mô lao động của tỉnh tăng dẫn đến tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn có xu hướng gia tăng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời ngày càng nhiều nhưng trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu, chủ yếu quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt, không chú ý đến bảo đảm ATLĐ, vệ sinh môi trường. Vì vậy, Sở LĐ-TB-XH sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATVSLĐ, triển khai Luật ATVSLĐ. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động nhằm thúc đẩy các chương trình, hành động cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ và các hoạt động phòng ngừa, đánh giá rủi ro giúp doanh nghiệp và NLĐ chủ động phòng ngừa, hạn chế các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp... Phấn đấu trung bình hàng năm tăng thêm 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ, bước đầu xây dựng văn hóa ATLĐ. Trên 80% làng nghề, 70% hợp tác xã có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ. Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện, cấp xã và trong ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về công tác ATVSLĐ. Trên 80% số người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác y tế, an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp được huấn luyện về ATVSLĐ.

Theo http://www.baophuyen.com.vn