Bàn về chế độ tử tuất và một số vấn đề đặt ra

21/05/2020 08:26 AM


Luật BHXH số 58/2014/QH13 (Luật BHXH 2014) gồm có 09 Chương, 125 Điều, được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 với các chế độ cơ bản như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Đối tượng thụ hưởng của chính sách đa phần là người lao động tham gia đóng vào quỹ BHXH. Chỉ riêng chế độ tử tuất là ngoại lệ, chế độ này giải quyết cho thân nhân người lao động - những người mà khi người lao động còn sống có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Chế độ tử tuất được giải quyết cho nhiều thân nhân cùng thụ hưởng, nên việc thực hiện sẽ tương đối phức tạp hơn so với các chế độ khác. Nếu xét trên phương diện tổng thể những quy định của Luật BHXH hiện hành, các quy định riêng về chế độ tử tuất cơ bản là hoàn thiện. Nhưng nếu xét ở một số trường hợp riêng lẻ hoặc khi đối chiếu với văn bản quy phạm pháp luật khác, vẫn còn những điểm chưa phù hợp. Có thể điểm qua một số quy định còn bất cập trong chế độ tử tuất, cần nghiên cứu thay đổi như:

Một là, căn cứ Luật Hôn nhân gia đình số 52/2014/QH13, pháp luật Việt Nam cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là quy định mới, mở ra những hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc không thể có con. Tại Điều 94 của Luật Hôn nhân gia đình quy định “con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. Đối chiếu với điểm a khoản 2 Điều 67 Luật BHXH 2014, quy định thân nhân của người lao động chết được hưởng tuất hằng tháng, bao gồm “con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai”. Với quy định này, trường hợp khi người lao động chết mà con đang được người khác mang thai hộ, khi sinh ra sẽ không được hưởng chế độ. Hiện nay, cùng với những bước tiến mạnh mẽ của cuộc cách mạng số, lĩnh vực y học cũng thu được nhiều thành tựu to lớn, nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được nghiên cứu áp dụng thành công, trong đó có việc tạo phôi thai và có thể được lưu trữ trong khoảng thời gian khá dài, nhằm mục đích phục vụ cho việc sinh sản sau này. Do đó, sẽ có trường hợp con được mang thai và sinh ra khi bố hoặc mẹ đã qua đời từ trước đó. Luật BHXH cũng cần nghiên cứu trong khía cạnh này, nhằm đảm bảo quyền lợi cho thân nhân người lao động.

Hai là, nếu như Luật BHXH cũ (Luật số 71/2006/QH11) quy định về chế độ tử tuất tương đối cứng nhắc, thân nhân người lao động không được lựa chọn giữa tuất hằng tháng và tuất một lần, khi người tham gia BHXH chết rơi đúng vào điều kiện nào thì được giải quyết theo quy định như thế. Tuy nhiên, một số trường hợp thân nhân người lao động cố tình kê khai sai lệch thông tin để được hưởng lợi. Khắc phục những bất cập đó, Luật BHXH 2014 đã có những quy định mang tính linh hoạt hơn, thân nhân người lao động hoàn toàn được quyền hưởng tuất một lần nếu có nguyện vọng (trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên). Nhìn nhận ở góc độ an sinh xã hội, thì sự thay đổi này rất tích cực, vừa khắc phục điểm bất cập tồn tại trong Luật BHXH cũ, vừa bảo vệ quyền lợi cho đối tượng dễ bị tổn thương, cần sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng đó là trẻ em dưới 06 tuổi và người tàn tật mất khả năng lao động. Nhưng xét phạm vi hẹp hơn, cụ thể là đối với gia đình người lao động, một số trường hợp người tham gia BHXH đóng với mức lương cao và thời gian dài, khi chết chỉ có một thân nhân rơi vào điều kiện loại trừ trên, thân nhân đó lại có những người chăm sóc khác ngoài người lao động đã chết thì việc hưởng tuất hằng tháng hay tuất một lần nên do thân nhân lựa chọn.

Ba là, thực tế trong xã hội hiện nay có nhiều cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng và thậm chí đã có con, nhưng vì lý do riêng tư nào đó mà họ không đăng ký kết hôn. Như vậy trên phương diện pháp lý họ không được công nhận là vợ chồng (trừ trường hợp chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987 theo quy định tại Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001). Khi người tham gia BHXH chết thì vợ (hoặc chồng) và các thân nhân còn lại của vợ (hoặc chồng) đó có thuộc diện hưởng trợ cấp không?

Bên cạnh những bất cập trên, trong quy định đối tượng hưởng chế độ chưa thật cụ thể cũng mang đến một số khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính:

Thứ nhất, hiện nay nền kinh tế Việt Nam có sự hội nhập ngày càng sâu, rộng với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Song song với việc hợp tác phát triển trong kinh tế, việc xuất nhập khẩu nguồn lao động, giao lưu văn hóa, thì xu hướng kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cũng ngày càng đa dạng. Và khi người tham gia BHXH chết, việc xác nhận thông tin cho các thân nhân có yếu tố nước ngoài thực hiện ra sao, cơ quan nào sẽ xác nhận, việc chi trả trợ cấp thực hiện như thế nào? Thực hiện theo Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ, công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, mặc dù hiện nay nhóm lao động này chỉ mới tham gia đóng vào quỹ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo lộ trình đến ngày 01/01/2022 sẽ đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Do đó, cần sớm nghiên cứu đưa ra hướng thực hiện phù hợp cho nhóm đối tượng này.

Thứ hai, theo quy định một người chết chỉ có tối đa 04 thân nhân được hưởng tuất hằng tháng, trường hợp người lao động có số thân nhân đủ điều kiện hưởng vượt quá 04 người thì thứ tự ưu tiên sẽ như thế nào? Lấy một ví dụ, người lao động có 02 đứa con với người vợ thứ nhất, sau đó ly hôn và có thêm 03 đứa con với người vợ thứ hai, ngoài ra còn có cha mẹ ruột, cha mẹ vợ tất cả đều đủ điều kiện hưởng. Thứ tự ưu tiên giải quyết cho các thân nhân trên được thực hiện ra sao? Đã có không ít trường hợp khi người tham gia BHXH chết, gia đình không thể hoàn tất thủ tục hồ sơ, vì không đạt được thoả thuận giữa các thân nhân trong việc lựa chọn người thụ hưởng.

Thứ ba, trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hằng tháng nhưng các thân nhân cùng lựa chọn hưởng tuất một lần, khi ấy số tiền nhận được sẽ phân chia như thế nào? Tất cả các thân nhân đều được nhận hay chỉ có những định suất đủ điều kiện hưởng tuất hằng tháng mới được nhận? Tại khoản 4 Điều 69 Luật BHXH 2014 có quy định “trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật, thì trợ cấptuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Với quy định này có thể xem là sự gián tiếp thừa nhận phần tiền hưởng từ chế độ là tài sản của người tham gia BHXH. Theo quy định tại Điều 609 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Với chế độ tử tuất, vì sao pháp luật không để cho người lao động tự quyết định lựa chọn người sẽ được thụ hưởng đối với phần tài sản của mình trong quá trình tham gia BHXH? Nếu điều này được thực hiện sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc đã nêu ở trên trong giải quyết chế độ chính sách

Tài liệu tham khảo:

- Luật BHXH số 71/2006/QH11;

- Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13;

- Luật BHXH số 58/2014/QH13;

- Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13;

- Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của quốc hội về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình;

- Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn