Xây dựng chính sách An sinh xã hội bao trùm và bền vững (Bài 02)

19/05/2020 01:50 PM


Trong những năm qua, chính sách An sinh xã hội của Nhà nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; làm thay đổi căn bản nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về chính sách xã hội; hình thành và phát triển hệ thống An sinh xã hội hướng đến bao phủ toàn dân; góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của Nhân dân.

(Ảnh minh họa)

Giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Để tiếp tục phát huy vai trò của chính sách An sinh xã hội, cần tiếp tục quán triệt quan điểm và mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, vì con người, lấy con người làm trung tâm; tăng cường an sinh xã hội, an ninh con người, không để ai bị bỏ lại phía sau phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ (SDGs); nâng cao chất lượng phát triển con người, tăng năng suất lao động, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, coi đầu tư cho chính sách An sinh xã hội là đầu tư cho phát triển cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách xã hội bao trùm, bền vững, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, thích ứng tốt hơn với xu hướng già hóa dân số, biến đổi khí hậu và các rủi ro về kinh tế, xã hội, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Cụ thể:

- Về lao động - việc làm, phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên và phát triển việc làm thỏa đáng. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo.

- Về giảm nghèo, tiếp tục thực hiện giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều, bền vững nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững theo hướng toàn diện, bao trùm.

- Về BHXH, phát triển BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập; quan tâm BHXH tự nguyện đối với khu vực nông nghiệp, lao động phi chính thức, tiến tới BHXH toàn dân; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH.

- Về trợ giúp xã hội, đảm bảo hỗ trợ kịp thời người yếu thế khắc phục rủi ro, tăng khả năng ứng phó, khuyến khích chủ động vươn lên để giảm bất bình đẳng và đảm bảo ổn định và công bằng xã hội, an ninh con người; tăng cường phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ người cao tuổi và người di cư.

- Về đảm bảo dịch vụ xã hội, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội, chú trọng dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm y tế cơ sở và y tế dự phòng, giáo dục, nước sạch cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Xây dựng chính sách An sinh xã hội bao trùm và bền vững (Bài 01):

Hệ thống chính sách được xây dựng, thực hiện đồng bộ

TS.Bùi Sỹ Tuấn

Phó Chánh Văn phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn