Sáng ngời niềm tin

14/05/2020 11:12 AM


GS-TS Trình Quang Phú (người ngồi thứ 2 từ trái sang) trong một lần gặp Bác Hồ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm nay, đất nước ta trang trọng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng, dân tộc mãi ghi sâu công ơn trời biển của Bác. Tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành di sản của dân tộc, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường. Vì thế, việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân; đã và đang đi vào cuộc sống của mỗi người, mỗi địa phương, đơn vị, tạo ra chuyển biến, sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng “là đạo đức, là văn minh”.

KỲ 1: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta”

Những ngày tháng 5 này, ký ức về những lần được gặp Bác trong tâm trí của nhiều người Phú Yên lại ùa về. Thật khó để nói hết những yêu thương, sự tôn kính mà cán bộ và nhân dân đất Phú dành cho Bác, khi mà Người đã trở thành biểu tượng đẹp trong lòng người dân Việt Nam và trái tim nhân loại…

Một lần gặp Bác là trọn đời mãi nhớ

Chúng tôi tìm đến thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh trong một chiều chưa tắt nắng. Từ đầu thôn, hỏi nhà già làng Ma Doanh, từ cụ già đến trẻ nhỏ ai cũng biết, nhiệt tình chỉ dẫn. Một em học sinh, cổ đeo khăng quàng, nói: - Cô biết không, già làng Ma Doanh may mắn lắm, từng được gặp Bác Hồ đấy.

Ngôi nhà của già làng Ma Doanh nằm lọt thỏm trong xóm. Trong ngôi nhà đơn sơ, tường đã ố màu, sàn tráng xi măng, ảnh Bác Hồ lung linh, trang trọng treo giữa phòng khách. Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 85 nhưng già làng Ma Doanh vẫn minh mẫn và khỏe khoắn. Đã 66 năm trôi qua, nhưng trên gương mặt già làng người Ê Đê này vẫn còn nguyên nỗi xúc động khi nhắc đến hai lần gặp Bác Hồ. Đó là sau Hiệp định Geneva (1954), Ma Doanh được chọn tập kết ra miền Bắc học văn hóa, huấn luyện quân sự và dân vận để trở về tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngay khi tập kết ra Bắc, chàng trai 17 tuổi đã được gặp Bác khi Người đọc diễn văn trong Lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình. Dù chỉ được nhìn thấy hình ảnh của Bác từ xa nhưng với ông, đó cũng là điều khó quên trong cuộc đời.

Sau lần ấy, vào năm 1961, Ma Doanh được vinh dự gặp Bác Hồ lần thứ hai khi Người về thăm quê. Lúc ấy, Ma Doanh đang huấn luyện ở Trung đoàn 120, đóng quân tại Nam Đàn, Nghệ An. Lúc Bác Hồ đi vào, cả trung đoàn đứng dậy vỗ tay, còn Bác thì vẫy tay chào. Bác mang đôi dép cao su, bộ quần áo kaki, chiếc mũ cối, từ từ tiến đến bắt tay từng người. “Lúc được Bác bắt tay, già mừng lắm, nước mắt như chực trào ra. Khi nói chuyện với các chiến sĩ trong trung đoàn, Bác hỏi thăm và căn dặn nhiều điều lắm. Bác hỏi: “Các chú, các cháu có nhớ nhà, nhớ quê không?”. Rồi Bác động viên: “Các chú, các cháu nhớ nhà, nhớ quê thì phải ra sức học tập và rèn luyện. Khi trở về quê hương phải đoàn kết nhân dân cùng nhau đánh đuổi kẻ thù, xây dựng quê hương”, già làng Ma Doanh nhớ lại.

Hòa bình lặp lại, Ma Doanh rời quân đội, trở về quê, làm Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch UBND xã Sông Hinh. Hình ảnh Bác Hồ cùng những lời huấn thị của Người luôn được già làng người Ê Đê này khắc sâu trong tim, nguyện tin theo Đảng, theo Bác đến cùng và nhắc nhở con cháu các dân tộc anh em đoàn kết xây dựng quê hương.

Gửi tình cảm với Người qua con chữ

Với những người Phú Yên từng được gặp Bác Hồ, đó đều là những khoảnh khắc tuyệt vời và đáng nhớ, theo họ đến suốt năm tháng của cuộc đời. Bởi vậy, cũng dễ hiểu tại sao GS-TS Trình Quang Phú, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông dù năm nay đã ngoài 80 tuổi, cái tuổi đáng lẽ phải nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn trắng đêm, lặn lội đi đến các nơi để gặp từng nhân vật, từng nhân chứng, sưu tầm tư liệu viết sách về Bác Hồ. Mỗi khi nghe ai đó nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người phóng viên năm xưa từng trưởng thành trong khói lửa chiến tranh lại bồi hồi xúc động. Những lần trực tiếp gặp Bác Hồ, được ăn cơm, trò chuyện và lắng nghe những lời dạy bảo từ Người đã khắc sâu trong tâm trí ông Phú để mỗi khi nhớ lại, trái tim ông lại trào dâng niềm thương nhớ khôn nguôi. Để rồi, sau khi Bác Hồ mất, với tất cả lòng biết ơn và tôn kính, ông bắt đầu khắc họa vẻ đẹp của Người qua những con chữ. Ông muốn dùng những gì mắt thấy, tai nghe và tim cảm nhận để viết sách, thông qua đó giúp anh em miền Nam yêu thương chưa một lần được đón Bác vào thăm hiểu hơn về tình cảm thiêng liêng của Người dành cho miền Nam ruột thịt và nhất là giúp bạn đọc hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp, cách đối nhân xử thế của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc để thêm gần gũi, kính yêu Bác.

Già làng Ma Doanh kể kỷ niệm gặp Bác Hồ cho các cháu nghe. Ảnh: DƯƠNG TRÍ

GS Phú có 5 tác phẩm viết về Bác Hồ, đó là: “Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”, “Miền Nam trong lòng Bác”, “Người là niềm tin”. Phương châm của ông khi viết về Bác là không hư cấu, không cần nâng cao, kể đúng và thực nhưng biết khai thác để tạo được xúc cảm, làm toát lên tính nhân văn của một người Việt Nam hoàn hảo ở Bác. Ông Phú bộc bạch: “Sinh thời, khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một học trò xuất sắc, cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết, đó là “cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. Tôi nghĩ rằng sách của tôi viết về Bác Hồ, được bạn đọc đón nhận và yêu thích, phần lớn không phải vì người ta quý mến tác giả, mà vì lòng tôn kính và tình cảm dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc”.

Cầu nối ngọt ngào

Càng gần đến ngày 19/5 - sinh nhật Bác, Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà thờ Bác Hồ (thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) càng thêm rộn rã bởi dòng người từ nhiều nơi đổ về đây với lòng thành, tri ân, tưởng niệm vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Khu di tích đón nhiều khách đến tưởng nhớ Bác, điều đó có nghĩa là ngày của chị Đinh Thị Thâu, thuyết minh viên tại đây cũng sẽ trở nên dài và vất vả hơn khi chị phải nói cả ngày. “Tôi không thấy mệt, mà ngược lại rất vui vì được kể về Bác cho mọi người. Tôi mong muốn mọi người khi đến khu di tích sẽ có dịp hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh; biết về những năm tháng đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại vùng căn cứ cách mạng này và nhất là cảm nhận được niềm tôn kính và lòng yêu quý của các thế hệ cán bộ, người dân Phú Yên dành cho Bác”, chị Thâu bộc bạch.

Hơn 10 năm gắn bó với công việc thuyết minh, chị Thâu luôn xem đây như một cái duyên và cũng là một sự may mắn, vì đã hiện thực hóa được ước mơ ấp ủ từ nhỏ. Để những câu chuyện về Bác chạm đến trái tim của mọi người, chị Thâu tìm đọc nhiều sách, tư liệu về Bác, xem các thước phim về cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Tháng 5, trời trong xanh hơn và nắng trải vàng. Với bộ áo dài màu cánh sen, chị Thâu lọt thỏm trong dòng người đến dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại khu di tích, nhưng câu chuyện về vị cha già kính yêu của dân tộc vẫn vang lên đều đặn bằng chất giọng xứ Nẫu đầm ấm, chân chất mà lắng sâu vào tâm hồn của nhiều người: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong dân” (Bảo Định Giang).

KỲ 2: Những bông hoa trong vườn Bác

Theo http://www.baophuyen.com.vn/