Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân

03/04/2020 07:43 AM


 

Ngày 01/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2020. Bên cạnh việc thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, công tác chống dịch COVID-19, Chính phủ đã bàn các vấn đề cấp bách cần phải được triển khai ngay khi mà Nhân dân cả nước đang trông chờ vào những quyết sách mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó có gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới 21 bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Tăng trưởng của Việt Nam trong Quý I/2020 đáng khích lệ

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trước tình hình kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, tăng trưởng của Việt Nam trong Quý I/2020 đạt 3,82% là con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng kinh tế của Quý I thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây (kể từ Quý I/2009).

Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp…

Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm mạnh khách du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,8%; tính chung 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019; CPI bình quân quý 1/2020 tăng 5,56% so với bình quân quý 1/2019.

Điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất khẩu khu vực trong nước tăng mạnh 8,7%, nhập khẩu giảm 3,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Tình hình đăng ký mới doanh nghiệp có phần chững lại, mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phiên họp diễn ra trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong. Trong bối cảnh như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch đạt kết quả tốt đẹp. Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31/3, có đặt vấn đề cách ly xã hội.

Giải thích thêm về vấn đề này, Thủ tướng nói rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc. Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, vấn đề một số nước đã vấp phải.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp

Về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Nước ta gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, hạn hán, mặn xâm nhập; giá dầu giảm sâu xuống mức 20 USD, trong khi dự toán ngân sách 60 USD. Đặc biệt, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn tới thế giới và trong nước nên nhiều chuỗi cung ứng và tiêu thụ bị đứt gãy. Tổng thư ký Liên hợp quốc nói kinh tế thế giới năm nay sẽ suy thoái, thậm chí nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ 0%; một số nước còn tăng trưởng âm. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”. Thủ tướng dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31/3) nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đạt mức tăng trưởng cao nhất. Quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này. Với điều kiện hội nhập như Việt Nam, chúng ta đã cố gắng giữ vững nhịp độ cần thiết. Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt lo cho người dân, nhất là những người mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Trình bày dự thảo Nghị quyết về các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc có chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những đối tượng bị tác động là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, dự thảo nêu rõ về nguyên tắc sẽ hỗ trợ tập trung cho các đối tượng bị giảm sút thu nhập, mất thiếu việc làm không đảm bảo được mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch. Nhà nước và doanh nghiệp chia sẻ để cùng đảm bảo mức sống cho người lao động. Việc hỗ trợ phải được thực hiện công khai minh bạch, không để lợi dụng và trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.

Điểm cầu BHXH Việt Nam tại Tràng Thi, Hà Nội

Theo dự thảo Nghị quyết có 06 gói hỗ trợ: Thứ nhất, hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho các đối tượng gồm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Thứ hai, là hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019.

Thứ ba, là hỗ trợ 1,8 triệu đồng người/tháng cho người lao động tạm dừng hợp đồng lao động do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Thứ tư, là người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, tối đa thời hạn 12 tháng, mức vay tối đa bằng 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả phần tiền lương còn lại cho người lao động.

Thứ năm, là hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 cho hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng.

Thứ sáu, là hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng (tháng 4-6) cho người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.

Dự thảo cũng nhấn mạnh, trường hợp đối với đối tượng thuộc diện được hưởng từ hai chính sách hỗ trợ trở lên thì chỉ được lựa chọn để hưởng một chế độ cao nhất.

Cùng với đó, còn có 02 chính sách hỗ trợ đặc thù và cho áp dụng quy trình đơn giản hoá tạo điều kiện cho người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia BHXH trở lên (kể cả lao động ngừng việc); cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ quỹ BHTN để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 1.000.000 đồng/người/tháng.

Như vậy, tổng số khoản hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương và kêu gọi từ nguồn khác là 61.580 tỷ đồng (2,6 tỷ USD). Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 35.880 tỷ đồng (1,52 tỷ USD). Trên cơ sở đó, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng sẽ bố trí nguồn ngân sách trung ương và địa phương cụ thể.

Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần lớn của Chính phủ là xác định cần làm quyết liệt hơn nữa để cố gắng, trong vòng 1 tháng tới không để dịch lây lan, bùng phát.

Chỉ đạo trong quý 2, nhiệm vụ hàng đầu là công tác an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan chú ý bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc sống của người dân. “Tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu, không để nền kinh tế bị đổ gãy” để đạt mức tăng trưởng cần thiết đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng định hướng và gợi ý đẩy mạnh các công cụ kinh tế cần áp dụng trong thời gian này như kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí và giảm chi tiêu công... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo có mức hỗ trợ phù hợp cho người lao động, người nghèo, nhất là người yếu thế, mất việc.

Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; chú trọng giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để biến động bất lợi; xác định kịch bản điều hành. Đặc biệt, cần kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá dịch vụ thiết yếu, đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu; giảm chi phí hành chính, chia sẻ cho người dân trong thời điểm dịch COVID-19.

Về tài chính ngân sách, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp về mức thuế, phí, lệ phí, lãi suất. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, giảm thiểu chi phí hội nghị, công tác nước ngoài…và đảm bảo đủ kinh phí phòng, chống dịch.

Về vấn đề lương thực, cần đảm bảo diện tích sản lượng, cân đối hợp lý giữa các vùng miền; xây dựng kịch bản sản xuất nông nghiệp. Xuất khẩu lương thực phải đảm bảo có kiểm soát chặt chẽ, sao cho đảm bảo trong nước không bao giờ thiếu lương thực nhưng cũng giải quyết vấn đề giá cho người dân.

Về chủ trương đối với vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng về cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và nhấn mạnh nguyên tắc chỉ hỗ trợ đối với những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không đảm bảo mức sống tối thiểu do COVID-19 gây ra, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Quá trình triển khai cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chia sẻ khó khăn với người dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và bố trí nguồn lực hợp lý giữa Trung ương và địa phương./.

 

 

Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn