“Bệ đỡ” an sinh

30/03/2020 02:14 PM


Trong những ngày này, dịch Covid-19 gây ra bởi vi-rút SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) G.Rai-đơ, đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, mà còn có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống con người.

Cụ thể, theo ILO, ngoài những lo ngại trước mắt hết sức cấp bách về sức khỏe của người lao động và gia đình họ, dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những tác động rất tiêu cực đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Theo dữ liệu gần đây nhất, tổng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc giảm 13,5% trong hai tháng đầu năm 2020. Chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực bị gián đoạn. Các ngành dịch vụ, du lịch, bán lẻ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng… Điều đó có thể làm tăng gần 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu.

Để giải quyết được cú sốc này, theo ILO, các quốc gia cần có những phản ứng chính sách tập trung vào các biện pháp bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ kinh tế cho cả phía cung và cầu. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động cũng như gia đình của họ cần được bảo vệ khỏi các rủi ro sức khỏe từ dịch Covid-19. Các biện pháp bảo vệ tại nơi làm việc và trên khắp các cộng đồng nên được giới thiệu và tăng cường, đòi hỏi sự hỗ trợ và đầu tư quy mô lớn. Thứ hai, cần kịp thời có các chính sách phối hợp để hỗ trợ tạo việc làm và thu nhập, từ đó kích thích nền kinh tế và nhu cầu lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động chống mất việc làm và thu nhập ngay lập tức, mà còn giúp ngăn chặn một chuỗi các cú sốc cung (thí dụ như mất năng lực năng suất của công nhân) và cú sốc cầu (thí dụ như giảm tiêu dùng của người lao động và gia đình họ) có thể dẫn đến suy thoái kinh tế kéo dài.

Ở một góc độ khác, các chuyên gia an sinh xã hội cũng đặc biệt lưu ý những tác động của cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đến các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, nhất là trong bối cảnh gần 40% dân số thế giới vẫn không có bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế quốc gia; hơn một phần ba tổng số các quốc gia không có chương trình bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp xã hội tại chỗ; 80% số người thất nghiệp trên toàn thế giới chưa có BH thất nghiệp… Điều đó đòi hỏi các chính phủ phải có giải pháp nhằm mở rộng quyền truy cập vào các dịch vụ y tế, trợ cấp ốm đau và bảo vệ thất nghiệp cho người dân nói chung, người lao động nói riêng.

“Trông người lại ngẫm đến ta”, có thể nói, dù không thể không lo lắng trước những diễn biến của dịch Covid-19 cũng như những tác động tiêu cực của nó đến các hoạt động kinh tế - xã hội, nhưng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được triển khai quyết liệt cũng như hệ thống chính sách cùng các giải pháp tức thời trong lĩnh vực an sinh xã hội giúp người dân yên tâm hơn. Về tổng thể, hiện 32% lực lượng lao động ở nước ta đã tham gia BHXH, gần 28% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp; gần 90% dân số được chính sách BHYT bảo vệ. Ngay trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng đáp ứng nhu cầu khám bệnh, xét nghiệm, điều trị đối với người tham gia BHYT (ngân sách nhà nước chỉ phải chi trả chi phí điều trị đối với người mắc bệnh không có BHYT). Cùng với đó, Quỹ BH thất nghiệp cũng đã phát huy tác dụng, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của người lao động không may bị mất việc do dịch bệnh. Chưa hết, để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay, BHXH Việt Nam cũng đã quán triệt BHXH các địa phương thực hiện quy định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng để xử lý những khó khăn trước mắt, duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho người lao động… Dù chưa thể giải quyết triệt để những thách thức, nhưng có thể nói, các chính sách, giải pháp này đã thể hiện rõ nét vai trò “bệ đỡ” an sinh đối với mỗi con người cũng như toàn xã hội trong bối cảnh hiện tại.

Theo https://www.nhandan.com.vn/