Giám định viên BHYT: Những bác sỹ không khoác áo blu

27/02/2020 09:29 AM


Sau bao năm miệt mài đèn sách nơi trường y, thực tập tại các bệnh viện, nhưng đến khi đứng trước bước ngoặt: Chọn làm bác sỹ - ước mơ đã được nuôi dưỡng từ lâu hay làm giám định viên BHYT - Những bác sỹ không khoác áo blu, vẫn là nỗi trăn trở của rất nhiều cán bộ giám định trong cả nước. Nhân Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/1955 - 27/02/2020, Tạp chí BHXH xin được giới thiệu những tâm sự của một nữ bác sỹ không khoác áo blu như thế - chị Vũ Thị Mỹ Hạnh, giám định viên BHXH TP. Đà Nẵng.

Khu vực đón tiếp bệnh nhân tại Trung tân y tế quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)

Tôi đã bén duyên với BHXH, với nghề Giám định BHYT hơn 20 năm. Với ai đó, “Giám định BHYT” là nghề thật khô khan, chẳng có gì đáng để kể, nhưng với tôi lại là khoảng thời gian đong đầy cảm xúc!

Bởi công việc khiến chúng tôi mỗi ngày đều đồng hành với những con người đang đối diện với đau đớn vì bệnh tật, nhiều khi là “cửa tử” để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng của bệnh nhân và gia đình họ. Mỗi bệnh nhân được giúp đỡ vượt qua khó khăn, bệnh tật, đó không chỉ là niềm vui, hạnh phúc của bản thân họ mà còn của gia đình và cũng chính là niềm vui của chúng tôi - Những người làm công tác Giám định BHYT.

Với riêng tôi, đó là Nghề mà tôi đã chọn, đã yêu, luôn gắn bó trong suốt hơn 20 năm qua. Lý giải về điều này, tôi không chỉ nhận thức được BHYT là một trong những chính sách an sinh mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động, người dân, nhất là khi “trái gió, trở trời”, mà hơn thế, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều số phận sau bức tường màu trắng của bệnh viện.

Tôi nhớ câu chuyện lúc mới vào nghề, lần ấy gặp một cô gái chừng 15 – 16 tuổi ngồi khóc nức nở trước hành lang phòng cấp cứu. Khi tôi vừa đi đến, cô gái bỗng vùng dậy, níu lấy tôi cầu cứu (cô tưởng tôi là bác sĩ vì chiếc áo Blu trắng). Qua lời kể tiếng được tiếng mất của cô gái, tôi biết được mẹ em bị đau bụng dữ dội khi đang ở nhà nên em vội đưa mẹ đến bệnh viện cấp cứu và trên đường đi làm rơi mất tiền và thẻ BHYT (theo quy định không thể làm thủ tục nhập viện theo chế độ BHYT); bố em là bộ đội công tác ở xa, không có ai họ hàng để nhờ cậy. Tôi lấy thông tin của mẹ em, xác minh đúng người và đơn vị công tác, sau đó mạnh dạn đề xuất lãnh đạo xin bảo lãnh và nhanh chóng làm thủ tục nhập viện, giúp em làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT. Mẹ em được bác sĩ chẩn đoán đau ruột thừa cấp, mưng mủ sắp vỡ, nếu không can thiệp kịp thời hậu quả sẽ khó lường…

Lần khác, tình cờ nghe được cuộc thoại giữa hai bệnh nhân nằm cạnh nhau, cũng để lại trong tôi những cảm xúc khó tả, nhớ mãi khôn nguôi.

- Chắc tui phải xin ra viện thôi ông ơi.

- Ủa sao vậy? Mấy vết thương của ông đã lành đâu sao ông lại xin ra viện.  

- Tui không có “kim bài hộ mệnh” như ông.

- Ủa ông nói gì tui không hiểu?.

- À, tui không có thẻ BHYT như ông. Chi phí điều trị lớn quá, không chịu nổi nên bệnh chưa lành cũng phải ra viện thôi ông ạ.

- Trời! BHYT là vật bất ly thân sao ông lại không mua?

- Thì tại tui cứ nghĩ mình khỏe như ri, dễ chi đau ốm, mua chi tốn tiền… Chừ mới thấy thấm thía ông ạ, cả mấy năm trời vợ chồng dành dụm chắt bóp, nằm viện 10 ngày là hết veo. Vào đây rồi tui mới hiểu tấm thẻ BHYT đúng là kim bài hộ mệnh của người bệnh ông ạ.

- Rứa đợt ni về ông có mua thẻ BHYT không?.

-Ra viện về nhà là tui ra phường mua luôn cho cả nhà ông ạ...

“Kim bài hộ mệnh” – Một sự so sánh giản dị mà ý nghĩa. Từ câu chuyện của họ, từ ánh mắt của họ, tôi tin họ đã hiểu hết giá trị thiết thực của tấm “Kim bài hộ mệnh” - Thẻ BHYT.

Cảm xúc mạnh nhất có lẽ là khi bước chân đến khoa Ung bướu. Ở đây, cuộc đời bệnh nhân được tính bằng tháng, bằng ngày, thậm chí bằng giờ… Nghiệt ngã thay, thời gian sống ít ỏi của họ lại tỷ lệ nghịch với chi phí điều trị. Nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt cả về tiền bạc lẫn tinh thần. Họ tâm sự tự đáy lòng: còn sống được là nhờ BHYT và nồi cháo từ thiện…

Hơn 20 năm trong nghề, tôi được phân công thường trực luân phiên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mặc dù vất vả, nhiều lúc mải làm đến “quên” cả chồng, con, nhưng bù lại tôi có được nhiều trải nghiệm thực tế. Từ nghề, tôi có những bài học, những kinh nghiệm quý báu, giúp tôi rất nhiều trong xử lý công việc cũng như trong cuộc sống. Lăn lộn mới thấy, không phải lúc nào mình cũng là “thiên sứ” trong mắt mọi người. Cũng có lúc bị hàm oan, thậm chí không ít lần bị to tiếng do người bệnh hoặc gia đình họ hiểu sai các chính sách, quy định. Đối diện với người bệnh, nhất là bệnh nặng phải điều trị dài ngày, tiêu tốn nhiều tiền bạc và có thể vì thế sẽ cuốn bay những ước mơ, hoài bão của bản thân, của con cái, gia đình họ là lòng tôi chùng lại ngay.

Hình ảnh và kỷ niệm 20 năm trong nghề cứ tràn về như những thước phim quay chậm về những mảnh đời, những số phận, những niềm vui xen lẫn nỗi buồn không thể kể hết được, luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Mọi người đều hiểu cuộc sống vô thường, không ai trẻ mãi, khỏe mãi, cũng có lúc “họa vô đơn chí”, cũng có lúc “tai bay vạ gió”, ngã bệnh bất ngờ; nhưng rất nhiều người vẫn chủ quan, thờ ơ việc tham gia BHYT. Người ta chỉ thật sự hối hận, thật sự rơi nước mắt khi đối diện với bệnh tật, với bảng kê thanh toán viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của gia đình và bản thân.

Mỗi công việc, mỗi ngành nghề mà chúng ta chọn đều mang lại niềm vui, nỗi buồn và cả sự trăn trở; với tôi, Nghề Giám định BHYT đã đem đến hạnh phúc thật sự.  Hạnh phúc, vì được góp một phần công sức nhỏ bé, giúp cho người bệnh vượt qua khó khăn, trở lại với cuộc sống, tiếp tục lao động, học tập (chỉ tính riêng năm 2019 thôi, Nghề của tôi đã bảo đảm quyền lợi cho 3.139.116 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền lên đến trên 2.367 tỷ đồng); nhiều người ví BHYT như ánh sáng trong đường hầm tối tăm của đau khổ, bệnh tật thì tôi góp một phần là đốm sáng nhỏ đồng hành cùng họ trên con đường đó – Thật đáng tự hào! Và đó cũng chính là cảm nghĩ của tôi về nghề mà mình đã chọn, đã yêu, nguyện gắn bó suốt cả cuộc đời - Nghề Giám định BHYT./.

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn