Sổ BHXH không phải tài sản để thế chấp!

24/01/2018 11:15 AM


Ông Trần Quang Vinh- Giám đốc BHXH tỉnh Phú Yên cho biết, BHXH tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Yên để thông báo về tình trạng cầm cố sổ BHXH. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đã gửi cảnh báo đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn về rủi ro khi nhận thế chấp sổ BHXH.

Ông Trần Quang Vinh cho hay, trước đó, BHXH tỉnh Phú Yên có tiếp nhận công văn từ phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Tuy Hòa, đề nghị BHXH tỉnh phối hợp để ngăn chặn việc cấp mới sổ BHXH và chi trả chế độ sau khi NLĐ đã đem sổ BHXH thế chấp để vay tiền.



“Ngân hàng này đã nhận thế chấp sổ BHXH của NLĐ và đề nghị chúng tôi phối hợp để không cấp mới sổ BHXH đối với số sổ BHXH đã thế chấp. Tuy nhiên, việc thế chấp sổ BHXH và cầm cố là thỏa thuận dân sự giữa 2 bên và là chuyện riêng của ngân hàng với người dân, chứ cơ quan BHXH tỉnh không thể can thiệp được. Hiện nay, các quy định về cấp mới sổ BHXH khá thông thoáng, để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ; trường hợp mất sổ mà họ hoàn thành các thủ tục đề nghị cấp lại thì cơ quan BHXH không thể từ chối nếu không có lý do. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo đối với ngân hàng, sổ BHXH là khoản để tham khảo tính toán thu nhập của NLĐ làm cơ sở cho vay, chứ không phải là tài sản thế chấp. Còn việc ngân hàng nhận sổ BHXH rồi cho vay là chuyện riêng của ngân hàng”- ông Vinh cho hay.

Cũng theo đại diện BHXH tỉnh Phú Yên, qua rà soát cho thấy, không chỉ có việc thế chấp ở ngân hàng, mà giữa các cá nhân riêng lẻ với nhau cũng xuất hiện tình trạng thế chấp sổ BHXH, phổ biến nhất cho vay đến vài chục triệu đồng. Do vậy, các bên cần lường trước các rủi ro, bởi NLĐ có thể đến các địa phương khác báo mất và được cấp lại bình thường. Cũng không loại trừ trường hợp người thế chấp sổ BHXH làm lại sổ mới và làm thủ tục để nhận BHXH một lần.

“Sổ BHXH không phải là một tài sản để thế chấp, mà chỉ có giá trị là căn cứ để cơ quan giải quyết các chế độ cho NLĐ. Mặc dù quy định cho phép NLĐ có thể xin cấp lại sổ BHXH ở bất cứ đâu, nhưng sẽ không có việc chi trả chế độ trùng lắp từ phía cơ quan BHXH”- đại diện BHXH tỉnh Phú Yên nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, hiện nay ngành BHXH đã thực hiện đơn giản hóa TTHC nên việc đề nghị cấp lại sổ BHXH rất đơn giản. NLĐ chỉ cần có đơn trình báo mất sổ BHXH, đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH có xác nhận của chính quyền địa phương, giấy xác nhận quá trình đóng BHXH, giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp một lần của cơ quan BHXH, tờ khai cấp sổ… Sau đó, nộp những giấy tờ trên cho cơ quan BHXH, trong thời hạn giải quyết theo quy định, cơ quan BHXH sẽ cấp lại sổ BHXH cho NLĐ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ khi gặp các sự cố mất sổ BHXH; song đáng tiếc có một số trường hợp lợi dụng quy định để báo mất sổ BHXH và đề nghị cấp lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Phú Yên, thời gian gần đây, BHXH nhiều địa phương đã phải gửi đi thông báo tình trạng sổ BHXH cũ của NLĐ bị mất, trong đó có tình trạng nhiều NLĐ trong cùng một đơn vị bị mất sổ BHXH. Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ trên phần mềm quản lý thu, BHXH các địa phương thực hiện cấp lại sổ BHXH mới, đồng thời thông báo hủy bỏ giá trị sử dụng của những sổ cũ đã bị mất. Do đó, các chuyên gia cảnh báo, để tránh phát sinh tranh chấp về BHXH, không nên nhận thế chấp sổ BHXH vì dễ gánh hậu quả một khi sổ BHXH không còn giá trị sử dụng.

Theo Luật sư Lê Bình An (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc thế chấp, cầm cố sổ BHXH có thể phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan, mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Việc cầm cố sổ BHXH có thể khiến các bên gặp những rủi ro nhất định. NLĐ tham gia BHXH tuân theo nguyên tắc “có đóng có hưởng”, “đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều”. Pháp luật về BHXH cũng không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH.

Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan. Chẳng hạn, NLĐ tham gia BHXH nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời) thì người thân của họ mới được hưởng chế độ tuất, chứ người cầm sổ BHXH không thể hưởng. Mặt khác, việc nhận BHXH một lần có thể được NLĐ ủy quyền cho người khác; song người được ủy quyền cũng chưa chắc nhận được, vì liên quan đến các thủ tục, nhất là trong trường hợp số sổ BHXH đó đã có người khác nhận BHXH một lần… Do đó, tốt nhất là không nên cầm cố hoặc nhận cầm cố sổ BHXH, để tránh các mâu thuẫn và các vấn đề pháp lý liên quan.

Trà Giang