Bảo hiểm xã hội – Lời hứa có đảm bảo
10/03/2020 04:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trải qua chiều dài lịch sử xây dựng Chủ nghĩa xã hội từ trước Cách mạng Tháng tám đến nay, chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng diễn tiến và phát triển dần theo từng dấu mốc lịch sử của đất nước và ngày càng thể hiện rõ vai trò trụ cột an sinh cho người lao động khi rủi ro, ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất. Có thể xem chính sách BHXH là lời hứa có đảm bảo bởi lẽ nó xuất phát từ quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước, được hun đúc và hoàn thiện dần qua từng giai đoạn thăng trầm, phát triển của đất nước để đến hôm nay lời hứa đó dần được bảo đảm rõ ràng và có sức lan toả rộng khắp. Theo đó, chính sách an sinh về BHXH cho người lao động ngày càng được nâng cao về quyền lợi, đa dạng về các chế độ thụ hưởng và đặc biệt là mở rộng về đối tượng tham gia.
Trước Cách mạng tháng Tám: Nước nhà chưa được độc lập, chính sách BHXH chưa có trong thực tế nhưng đã có nền móng dưới thời phong kiến Pháp thuộc. Đó là những quan điểm về xây dựng hệ thống chính sách BHXH đã được Đảng ta đặt ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1929 cho tới năm 1940-1941 được tiếp tục khẳng định bằng việc sẽ đặt ra chính sách BHXH khi thiết lập được chính quyền cách mạng và tạo lập quỹ hưu bổng cho người già,…
Sau Cách mạng tháng Tám: Ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, ngày 03/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký sắc lệnh số 54/SL ấn định các điều kiện cho công chức về hưu. Tiếp đó trên cơ sở Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ đã ban hành một loạt các sắc lệnh quy định về các chế độ trợ cấp ốm đau, tai nạn, hưu trí cho công nhân viên chức Nhà nước (Sắc lệnh 29/SL ngày 12/3/1947; Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 và Sắc lệnh 77/SL ngày 22/5/1950). Cơ sở pháp lý tiếp theo của BHXH được thể hiện trong Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp năm 1959 của nước ta đã thừa nhận công nhân viên chức có quyền được trợ cấp BHXH. Quyền này được cụ thể hóa trong Điều lệ tạm thời về BHXH đối với công nhân viên chức Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 và Điều lệ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định 161/CP ngày 30/10/1964 của Chính phủ. Đây có thể coi là hai văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam quy định về chính sách BHXH. Suốt trong những năm tháng kháng chiến chống xâm lược, chính sách BHXH nước ta đã góp phần ổn định về mặt thu nhập, ổn định cuộc sống cho công nhân viên chức, quân nhân và gia đình họ, góp phần rất lớn trong việc động viên sức người sức của cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược thống nhất đất nước.
Đến sau giải phóng miền Nam: Đất nước hoàn toàn thống nhất chuyển sang 1 thời kì mới. Theo đó, chính sách BHXH tiếp tục được sửa đổi nổ sung và hoàn thiện mở rộng áp dụng các chế độ MSLĐ, hưu trí, tử tuất đối với CNVC và quân nhân đặc biệt là sự bảo đảm về chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 1980 quy định những quyền lợi về BHXH khi về hưu, già yếu, bệnh tật hoặc MSLĐ, mở rộng dần sự nghiệp BHXH theo hướng phù hợp với nền kinh tế quốc dân bằng việc hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ BHXH đối với xã viên.
Giai đoạn từ năm 1986 đến 1994: Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, nền kinh tế chuyển dịch theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, sự đổi mới về cơ chế kinh tế đòi hỏi có những thay đổi tương ứng về chính sách xã hội nói chung và chính sách BHXH nói riêng. Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ: “Nhà nước thực hiện chế độ BHXH đối với công chức nhà nước và người làm công ăn lương, khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”. Trong văn kiện Đại hội VII của Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã chỉ rõ, cần đổi mới chính sách BHXH theo hướng mọi người lao động và các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ đóng góp BHXH, thống nhất tách quỹ BHXH ra khỏi ngân sách.
Từ năm 1995 đến 2005: Trước yêu cầu của đổi mới, cụ thể hoá Hiến pháp 1992, Nghị định 12/CP ngày 16/01/1995 của Chính phủ ban hành điều lệ BHXH áp dụng đối với CNVC, NLĐ trong khối hành chính sự nghiệp, các cơ quan đảng, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước, NLĐ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên và cùng trong thời gian này Chính phủ cũng ban hành điều đệ BHXH áp dụng đối với lực lượng vũ trang. Có thể nói năm 1995 là năm mở ra dấu mốc lớn trong chính sách BHXH, bắt đầu từ thời điểm này quỹ BHXH được hình thành trên cơ sở đóng góp của 3 bên: Người SDLĐ, NLĐ với sự bảo hộ của Nhà nước, hoạt động độc lập với ngân sách Nhà nước thay vì phụ thuộc ngân sách như trước và đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới chính sách BHXH nước ta theo cơ chế thị trường, theo hướng ngày càng mở rộng đối tượng tham gia BHXH và mở rộng các cơ chế thực hiện (bắt buộc và tự nguyện).
Đến Giai đoạn từ năm 2006 đến nay: Đây là giai đoạn mà Đảng, Nhà nước ta có những quan tâm đặc biệt đến chính sách BHXH thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội XI đã khẳng định” Bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục sủa đổi hoàn thiện hệ thông BHXH, BHYT, BHTN,…đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội nhất là đối tượng yếu thế đễ bị tổn thương”. Cụ thể hoá Nghị quyết đó là sự ra đời của Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 quy định rõ các quy định về chính sách BHXH mà đặt biệt là sự ra đời của BHXH tự nguyện áp dụng cho NLĐ là không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tiếp đó là sự ra đời của Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng sường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 khẳng định:” BHXH, BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng là trụ cột chính của hệ thông an sinh xã hội quốc gia và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân là phải thực hiện tốt chính sách BHXH. Tiếp đó nhằm mở rộng hơn nữa diện bao phủ tới đông đảo NLĐ, Luật BHXH sửa đổi 2014 được ban hành ngày 20/11/2014 theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và tăng quyền thụ hưởng chính sách cho NLĐ thể hiện sự đảm bảo cần thiết và ngày càng đi vào thực tiễn đời sống người lao động đặc biệt là sự đảm bảo càng có tính xác thực và chắc chắn hiện thực khi có cả hệ thống chính trị vào cuộc được thể hiện bằng mục tiêu, lộ trình trong nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính cách BHXH từ nay đến 2030 với mục tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể như sau: Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 có khoảng 45% và đến năm 2030 có khoảng 60%. Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội); đến năm 2025 có khoảng 55% và đến năm 2030 có khoảng 60%.
Có thể thấy, nhìn lại chặng đường phát triển đất nước từ khi có Đảng thì Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách BHXH, bao gồm các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp đã từng bước được hoàn thiện, ngày càng đồng bộ, phù hợp với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế. Chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Cho đến hôm nay, chính sách BHXH thực sự đã trở thành sự bảo đảm chắc chắn cho người lao động bởi sự bảo hộ, quản lý bằng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước khác hẳn hoàn toàn với các loại hình bảo hiểm thương mại khác, BHXH vì mục tiêu an sinh xã hội không vì mục đích lợi nhuận. Hiện nay, trên cả nước tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống, sức khỏe cho gần 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng. Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH.
Để “BHXH lời hứa có đảm bảo” cụ thể là lời hứa của Đảng và sự bảo đảm thực hiện của Nhà nước về BHXH” thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và đặc biệt là chính bản thân người lao động trong thực hiện các giải pháp sau:
+ Cải cách chính sách tiền lương: Bởi lẽ chính sách tiền lương phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ổn định, thống nhất, liên tục, thông suốt, tinh gọn... Khi đó, BHXH sẽ thực sự trở thành trụ cột bền vững của hệ thống an sinh xã hội. Mọi người dân đều được thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau. Khoảng cách chênh lệch về giới, về thu nhập từng bước được thu hẹp.
+ Cải cách chính sách BHXH ở các nội dung cơ bản sau:
Điều chỉnh tuổi hưu: Dự kiến từ ngày 01/01/2021, người lao động bình thường, trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng hoặc 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Những đối tượng lao động đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn tương tự như hiện nay. Đây là dự định mang tính đột phá trong chính sách do đó sẽ có nhiều quan điểm, ý kiến lo ngại “trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tuổi thọ dân số ngày càng cao sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ, thậm chí sẽ có quan điểm còn băn khoăn rằng nâng tuổi nghỉ hưu chỉ phù hợp và có lợi đối với những người làm việc trong khu vực hành chính, trong khi lực lượng lao động này chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số lao động xã hội”. Tuy nhiên, minh chứng cho vấn đề này, các nước trên thế giới khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng gặp phải những lo ngại tương tự, nhưng họ vẫn tiến hành điều chỉnh theo lộ trình phù hợp và đã thành công. Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu giúp cho các quốc gia chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu lao động do dân số bị già hóa. Vì nếu không điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu thì nước ta không thích ứng được với cơ cấu dân số già hóa trong tương lai. Bài toán nâng dần tuổi nghỉ hưu là vấn đề của quốc gia, vì lợi ích quốc gia, chứ không vì lợi ích của bất kỳ nhóm đối tượng nào. Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố tăng trưởng kinh tế, giải quyết bài toán việc làm và thất nghiệp…
Do đó, cần sự đồng lòng, quyết tâm của hết thảy của cả hệ thống chính trị, người dân và người lao động thì lời hứa của Đảng và Nhà nước, cụ thể là chính sách BHXH sẽ được đảm bảo vững chắc.
Ngô Hưng
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...