Công tác dân vận trong truyền thông, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

23/02/2024 07:24 AM


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của cách mạng. Năm 1949 Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận”, đây là tác phẩm có ý nghĩa rất to lớn trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận cần phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Vận dụng lời dạy này của Bác trong giai đoạn triển khai, thực hiện đề án đổi mới toàn diện, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền BHXH theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiêu chuẩn “Óc nghĩ” đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền phải có trí tuệ, đầu óc tổ chức và khả năng tập hợp đám đông, được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc những quy định về chính sách BHXH, BHYT đồng thời không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, nâng cao năng lực bản thân để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân, cần chuẩn bị kỹ những nội dung cần tuyên truyền trong đó đặc biệt chú ý những số liệu chứng minh, những hình ảnh minh họa trong thực tế ở địa phương làm tăng sức thuyết phục “trăm nghe không bằng một thấy”, tránh các tình trạng sao chép, không cập nhật các số liệu, các quy định mới hoặc tư tưởng làm cho có, làm để đối phó, làm cho xong.

Tiêu chuẩn “Mắt trông” của người làm công tác tuyên truyền là tiêu chí đề cao năng lực thực tiễn, việc theo dõi, nắm vững tình hình, đặc điểm, diễn biến trong thực tế của từng địa phương, theo từng nhóm đối tượng, nhất là nắm rõ những tâm lý của từng giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp và mức thu nhập để có những giải pháp triển khai theo thời gian, địa điểm và nội dung tuyên truyền phù hợp, thiết thực để tránh tuyên truyền chung chung, sáo mòn, không cụ thể làm giảm đi ý nghĩa việc tuyên truyền.

Tiêu chuẩn “Tai nghe” là yêu cầu cần thiết của người làm công tác tuyên truyền phải đảm bảo thông tin được từ 2 chiều. Qua kênh tuyên truyền này giúp cho viên chức ngành BHXH lắng nghe, tiếp nhận thông tin đa chiều từ nhân dân trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở địa phương, từ đó thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đồng thời giúp cho lãnh đạo Ngành kịp thời phát hiện, xử lý những việc làm trái với quy định pháp luật làm ảnh hưởng uy tín, đến niềm tin của người dân với ngành BHXH.

Tiêu chuẩn “Chân đi” là yêu cầu bắt buộc đối với công tác tuyên truyền không thể “ngồi trong phòng lạnh” thực hiện công tác tuyên truyền, vận động mà phải thực hiện tuyên truyền đối thoại, trực tiếp với người dân. Vì vậy, cần phải sâu sát với cơ sở, với thực tiễn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thường xuyên liên tục với phương châm “mưa dầm thấm sâu” dần đần đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống người dân để họ có cơ hội tiếp cận những lợi ích, tính nhân văn của Đảng và Nhà nước mang lai. Từ ý nghĩa trên cũng không phải chỉ đi đến truyên truyền những nơi những chỗ quen thuộc, dễ dàng mà phải đến xuống những nơi có điều kiện khó khăn, từ đó giúp cho cán  bộ tuyên truyền nắm được toàn diện về những khó khăn, thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH, BHYT.

Thăm hộ gia đình để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

Tiêu chuẩn “Miệng nói” ở đây người làm công tác tuyên truyền không nhất thiết phải nói cho có bài có bản, nói theo “slide soạn sẵn”, “tràng giang đại hải”, nói quy định của Nghị định này, Luật nọ … mà nói theo hướng giải thích cho người dân hiểu khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có những lợi ích họ như thế nào? Được những quyền lợi gì? Ai là người thụ hưởng trực tiếp? Chính sách này do ai tổ chức thực hiện?... Nói để người dân hiểu được rằng tính san sẻ, tính cộng đồng, tính nhân văn mà trong truyền thống xưa nay người dân vẫn thực hiện trong thực tế. Từ đó giúp cho người dân có sự suy nghĩ, lựa chọn và quyết định. Ngoài ra, người làm công tác tuyên truyền cần tương tác, trao đổi với người dân qua những buổi tuyên truyền, có như vậy mới giúp họ nắm được những nội dung gì, cách tuyên truyền của mình có thu hút, bổ ích cho họ hay không nhằm rút kinh nghiệm tuyên truyền cho những đợt tuyên truyền sau. 

Tiêu chuẩn “Tay làm” đối với công tác tuyên truyền là tính hiệu quả sau tuyên truyền vận động. Nếu tuyên truyền giỏi, nói hay mà không đem lại hiệu quả người dân không tham gia BHXH, BHYT hoặc địa phương đó tuyên truyền nhiều mà tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT lại thấp thì vấn đề đặt ra là người làm công tác tuyên truyền phải lập kế hoạch phối hợp với sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở địa phương từ khâu chọn lọc đối tượng tuyên truyền, thành phần tham dự, thời gian, địa điểm…đến tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT qua đó dân sẽ phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Như vậy việc, vận dụng những tiêu chuẩn trên theo lời dạy của Bác trong công tác “Dân vận khéo” vào trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT là phải kết hợp chặt chẽ sáu tiêu chuẩn trên với nhau, tạo ra “tố chất” riêng cho người làm công tác tuyên truyền, thiết nghĩ có đạt được những "chuẩn" như trên thì công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình mới đạt được hiệu quả cao, bền vững.      

Với phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng đối tượng” công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong năm 2023 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Phối hợp các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn, các Tổ chức Dịch vụ thu BHXH, BHYT tổ chức 686 hội nghị tuyên truyền và hội nghị khách hàng với hơn 28.403 người tham dự, qua đó vận động được 1.165 người tham gia BHXH tự nguyện, 11.025 người tham gia BHYT hộ gia đình; các Tổ tuyên truyền của BHXH tỉnh, BHXH huyện đã tổ chức 50 cuộc đi trực tiếp thăm hộ gia đình vận động 1.195 người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại một số thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh. Kết quả này làm tăng nhanh đối tượng tham gia góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT.

Đình Khương