Bảo hiểm y tế – Chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước

01/07/2024 07:22 AM


Ở nước ta, mỗi năm có rất nhiều người và gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói do phải thanh toán các khoản lớn chi phí khám, chữa bệnh (KCB). Nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, gia đình phải bán hết tài sản, thậm chí vay nặng lãi để có tiền chữa bệnh. Cá biệt, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh mất hết phương tiện kiếm sống, không còn khả năng về tài chính để chữa bệnh và phó mặc cho số phận. Bệnh tật sinh ra nghèo khó và ngược lại nhiều loại bệnh tật cũng từ nghèo khó mà ra, ngay cả những người giàu có trong xã hội khi mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo như: Ung thư, suy thận mãn, mổ tim,… chi phí điều trị lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một năm cũng nhanh chóng trở thành nghèo khó.

Mặc dù Ngân sách Nhà nước dành cho công tác KCB mỗi năm đều tăng, song cũng chỉ đủ để duy trì hoạt động của các cơ sở KCB và thực hiện việc miễn giảm viện phí cho một số nhóm đối tượng trong xã hội. Trong khi đó, nhu cầu KCB của Nhân dân ngày một tăng cao, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị và sử dụng các loại thuốc đặc trị đắt tiền dẫn đến chi phí y tế tăng đáng kể. Làm thế nào để mọi người dân khi ốm đau được KCB, được tiếp cận và hưởng chế độ KCB công bằng, hiệu quả luôn là trăn trở của Đảng và Nhà nước ta. Cũng như nhiều nước trên thế giới, từ năm 1992, Chính phủ đã ban hành chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) mà trước hết là thực hiện cho người làm công hưởng lương và đến nay bắt đầu thực hiện cho mọi người dân trong xã hội. Thực hiện BHYT và thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, BHYT vận hành theo nguyên tắc “lấy số đông bù số ít”, gắn bó mỗi cá thể với cộng đồng xã hội. Nguồn thu BHYT từ cộng đồng đã trở thành nguồn tài chính quan trọng chi cho công tác KCB phục vụ cho con người và vì mọi người.

Năm 1992, Điều lệ BHYT ban hành đã tạo hành lang pháp lý cơ bản giúp cho việc triển khai chính sách BHYT có bước phát triển mới.

Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ Đại hội 9 - tháng 4/2001 đến nay - mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân đã trở thành một định hướng lớn, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Luật BHYT được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 và Luật sửa đổi, bổ sung  một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và an sinh xã hội về công bằng và phát triển trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân thành pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cơ bản và đầy đủ nhất trong thực hiện chính sách BHYT.

Để tuyên truyền về Luật BHYT; khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên ngành y tế, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01/7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam.

Chính phủ quyết định chọn ngày BHYT Việt Nam thể hiện ý chí và quyết tâm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng.

Cũng tại thời điểm này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư tới toàn thể nhân dân tham gia BHYT đã nhấn mạnh: “Tham gia thực hiện Luật BHYT không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng tài chính với những người không may ốm đau, bệnh tật của tất cả mọi công dân. Với những người thuộc diện chính sách, khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và các hộ cận nghèo, Nhà nước và toàn xã hội cần tích cực hỗ trợ, sao cho người tham gia BHYT ngày càng nhiều, quyền lợi ngày càng được mở rộng…Cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, và các đơn vị quản lý BHYT phải thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn và quy định của Luật BHYT, nâng cao y đức và chất lượng phục vụ người bệnh…”.

Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và chăm lo cuộc sống cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta; thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta la luôn quan tâm chăm lo quyền con người và vì con người, vì an sinh xã hội, đó là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Chính sách BHYT–trụ cột chính, quan trọng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia là chỗ dựa vững chắc để đảm bảo quyền được an sinh cho mọi người dân theo quy định của Hiến pháp nước ta. Vì vậy, mỗi năm đến Ngày BHYT Việt Nam là thêm một quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT – một bộ phận quan trọng của chính sách tài chính y tế quốc gia, một trong những phương thức xã hội hóa công tác y tế thông qua huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe. Chính sách BHYT được Nhà nước tổ chức thực hiện và bảo hộ, mang tính chia sẻ trong cộng đồng vì mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày 01/7/2024 vừa tròn kỷ niệm 15 năm Ngày BHYT Việt Nam (01/7/2009-01/7/2024). Suốt chặng đường 15 năm qua, Bộ Y tế, Ngành BHXH Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật BHYT kịp thời, đồng bộ, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các yêu cầu trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo chính sách BHYT đi vào đời sống, thiết thực hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT. Việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đã đạt được những kết quả rất quan trọng: Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân gia tăng nhanh chóng: Tăng từ 58% năm 2009 lên đến 93,35% vào cuối năm 2023; Số lượt người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Tính tới 31/12/2023, có 174,8 triệu lượt người KCB BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bênh BHYT ngày càng thuận lợi. Chất lượng dịch vụ y tế đã được nâng cao rõ rệt. Nhờ đó, người dân khi tham gia BHYT đã được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi của mỗi gia đình cho dịch vụ y tế; hiện nay phần lớn người dân đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế đã có BHYT. Bệnh nhân điều trị dài ngày được Quỹ BHYT thanh toán cả tỷ đồng giờ đây không còn là cá biệt. Đặc biệt, người dân  miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người gia đình cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội được hỗ trợ từ nguồn NSNN, được chăm sóc, khám chữa bệnh từ tuyến y tế cơ sở đến tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, đảm bảo được cuộc sống và phát triển bền vững. Công tác quản lý, điều hành BHYT đã có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý BHYT đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, minh bạch trong thu chi quỹ BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT.

Tham gia BHYT, người dân sẽ được thụ hưởng rất nhiều quyền lợi như: Được Quỹ BHYT chi trả 80%-100% chi phí KCB (khi đi KCB đúng tuyến); được lựa chọn và thay đổi nơi KCB tại các cơ sở có ký Hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia BHYT từ người thứ hai trở lên trong cùng hộ gia đình. Trường hợp, nếu người dân tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được cơ quan BHXH cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm tài chính. 

Quan trọng hơn cả, khi tham gia BHYT, người dân sẽ giảm được gánh nặng tài chính khi không may ốm đau, tai nạn, đồng thời chia sẻ rủi ro, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” giữa những người tham gia với nhau. Giá trị nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT thể hiện ở sự chia sẻ rủi ro giữa cá nhân với cộng đồng, san sẻ gánh nặng tài chính giữa người không bệnh và người bệnh, giữa người giàu và người nghèo vì mục tiêu an sinh xã hội và sức khỏe cho mọi người.

Để được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi tham gia BHYT, người dân cần đóng phí tham gia đầy đủ và đúng thời hạn. Khi đăng ký tham gia BHYT, người dân cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân, không được tẩy xóa hoặc viết thêm vào thẻ BHYT và tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ BHYT đi KCB. Trong quá trình KCB BHYT, người bệnh cần thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại cơ sở đến KCB hoặc khi chuyển lên tuyến trên và phải thanh toán chi phí KCB ngoài phần chi phí do duỹ BHYT chi trả theo quy định của pháp luật.

BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, không vì mục đích lợi nhuận. Thực hiện tốt công tác BHYT nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, chia sẻ khó khăn và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi không may ốm đau, bệnh tật, là chỗ dựa quan trọng của người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Có thể nói, BHYT đã trở thành chiếc “phao cứu sinh” cho rất nhiều trường hợp không may bị ốm đau, tai nạn, bệnh tật,… có chi phí KCB lớn, tránh để gia đình lâm vào tình trạng đói nghèo.

BBT