Hệ lụy khôn lường khi người lao động lỡ cầm cố, bán sổ BHXH

23/02/2024 02:18 PM


Được coi là "của để dành" của người lao động khi về già nhưng thực tế không ít người đã mang thế chấp, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, thậm chí là bán sổ BHXH cho "đầu nậu".

Chị Nguyễn Thị Thúy (40 tuổi, Bình Phước) vừa nghỉ việc ở công ty với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) hơn 7 năm. Hiện nay, công ty cũ còn nợ BHXH của chị 5 tháng.

Sau khi nghỉ việc, chị đang tìm hiểu về quy trình làm thủ tục hưởng BHXH thì nhiều đồng nghiệp khuyên chị nên bán sổ BHXH để sớm nhận được tiền.

"Người lao động bán sổ BHXH không biết có vi phạm pháp luật hay không? Khi bán sổ BHXH, người bán thiệt thòi gì?", chị Thúy thắc mắc.

Mua, bán sổ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật.

Giải đáp vấn đề này, luật sư Trần Văn Nam (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, việc mua, bán sổ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Nam lý giải, BHXH không phải là tài sản theo quy định của Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015. Bản chất, sổ là chứng từ được cấp cho người lao động để theo dõi việc đóng/hưởng các chế độ BHXH.

Sổ BHXH cũng là cơ sở để giải quyết các chế độ khi người lao động bị mất hoặc giảm thu nhập do ốm đau, thai sản, thất nghiệp, lương hưu...

BHXH không phải là tài sản vì không thuộc một trong bốn hình thức: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản theo điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015. Các giao dịch mua bán, cầm cố liên quan đến sổ BHXH sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ.

"Trong giao dịch mua bán sổ BHXH, người lao động phải đối mặt với việc bị ép giá bán thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà họ có thể nhận được theo quy định. Họ cũng sẽ mất đi những phúc lợi xã hội có được từ chính sách an sinh nhân văn khi đến thời điểm họ bị ảnh hưởng hoặc mất khả năng lao động", luật sư Nam nhấn mạnh.

Vi phạm về BHXH có thể xử lý hình sự

Luật sư Nam phân tích thêm, các hành vi cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH của người lao động rồi sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật và sẽ bị xử phạt.

Theo khoản 2 Điều 46 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (Được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) trường hợp người lao động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của mình sẽ không thuộc trường hợp được cấp lại sổ.

Người lao động không có quyền mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của chính mình. Trường hợp người lao động thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Việc bán sổ BHXH có thể dẫn đến hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sau này.

Trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người lao động có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi lập, dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ sai lệch nội dung hồ sơ BHXH để lừa dối cơ quan BHXH nhằm chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;

Hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 214 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trường hợp số tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.

Theo https://dantri.com.vn