Nhiều ĐBQH quan tâm đến chính sách BHXH, BHYT

02/06/2023 09:49 AM


Ngày 1/6, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều ĐBQH bày tỏ lo lắng khi NLĐ bị nợ đóng BHXH, mất việc làm dẫn đến rút BHXH một lần và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn xảy ra…

Liên quan đến việc xử lý DN trốn đóng BHXH, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho biết, hiện nay sức khỏe của các DN chưa tốt; một số vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho DN. Theo thống kê, cả nước hiện có 2,7 triệu NLĐ đang bị DN nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên, trong đó có hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do DN bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn. Trong khi đó, nhiều NLĐ hằng tháng đều bị chủ DN trừ tiền đóng BHXH vào lương nhưng không nộp vào quỹ BHXH, BHYT theo quy định.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương)

Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng NLĐ thất nghiệp do thiếu đơn hàng tăng nhanh. Nhiều NLĐ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được hưởng do không chốt được sổ BHXH. “Do đó, trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan xử lý các DN trốn đóng BHXH. Việc này nhằm đảm bảo chính đáng cho NLĐ, có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp NLĐ bị ảnh hưởng do lỗi từ các DN này gây ra”- ĐB Trân kiến nghị.

Liên quan đến tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, ĐB Trương Xuân Cừ (Hà Nội) dẫn số liệu thực trạng rút BHXH một lần từ năm 2021 đến nay; đồng thời khẳng định, điều này có thể giải quyết những khó khăn trước mắt cho những người rút BHXH, nhưng là điều hết sức lo lắng, bởi 15 năm, 20 năm sau không biết những người này sống bằng gì? Chính vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu làm thế nào để tăng BHXH lên bằng tự nguyện hay bằng hỗ trợ nào đó.

Các ĐBQH thảo luận tại hội trường

Cũng theo ĐB Trương Xuân Cừ, hiện nay, Luật BHYT hỗ trợ cho các hộ nghèo 50% chi phí tham gia BHYT và hộ cận nghèo 30% là chưa hợp lý, bởi vì đã là hộ nghèo thì ăn hằng ngày còn khó, mới chỉ hỗ trợ đến 50% thì chắc cũng chưa đủ hoặc những người đã đóng góp bao nhiêu năm rồi thì hỗ trợ như thế nào để người ta có thể tiếp tục nuôi dưỡng được BHYT đến năm cần thiết. Bên cạnh đó, đối với BHYT người cao tuổi, từ năm 2021, Việt Nam còn khoảng 500.000 người cao tuổi chưa có BHYT.

Theo ĐB Cừ, trong những năm qua, ngoài những chính sách khác, BHYT cho người cao tuổi đã được các địa phương quan tâm tham gia và nhiều tỉnh đã đạt 100%- đây là điều phấn khởi, nhưng vẫn còn một số tỉnh chỉ đạt 88% hoặc khoảng 90%. Đặc biệt, Quyết định số 861/QĐ-TTg đã làm ảnh hưởng tới số người tham gia BHYT. “Trong số 16,1 triệu người cao tuổi hiện nay, chỉ có 5 triệu người có BHXH và trợ cấp xã hội, còn 11 triệu người vẫn phải lao động để kiếm sống. Nếu không quan tâm BHYT đối với đối tượng này thì sẽ rất khó khăn, mà chúng ta biết rằng người cao tuổi Việt Nam 95% là người có bệnh. Chính vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần thống nhất dùng NSNN để mua BHYT cho người cao tuổi, bởi rất nhiều tỉnh muốn thực hiện, tuy nhiên cần phải có cơ sở pháp lý từ Chính phủ, Quốc hội”- ĐB Cừ phân tích.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam)

Góp ý về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giải trình trong phiên thảo luận, nhưng đây vẫn là vấn đề lo lắng của nhiều bác sĩ. Hiện các BV công đều đang thiếu thuốc, vật tư y tế; người bệnh BHYT phải mua thuốc bên ngoài, trong khi đó pháp luật hiện hành chưa có quy định hoàn trả lại số tiền thuốc mà bệnh nhân phải tự chi trả để mua thuốc BHYT ở bên ngoài. Bệnh cạnh đó, việc thiếu thuốc, vật tư y tế nên không thể thực hiện các ca phẫu thuật thông thường, gây áp lực, quá tải cho BV tuyến trên...

“Vấn đề đấu thầu thuốc và vật tư y tế cũng gặp nhiều khó khăn. Một số trang thiết bị y tế hiện đại phải rất nhiều thời gian mới sửa chữa xong, nguyên nhân chính là do thủ tục phức tạp, rườm rà. Từ những thực trạng nêu trên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tập trung, quyết liệt hơn nữa trong triển khai các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các BV. Công tác đấu thầu thuốc nên giao cho các công ty tư vấn độc lập để ngành Y tế chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn...”- ĐB Thái Bình nêu.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn