Tập trung chăm lo đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất kinh doanh

04/04/2023 03:21 PM


Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.

Cơ bản thực hiện được các mục tiêu

Theo đánh giá, trong tháng 3 và quý I/2023, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong bối cảnh nhiều biến động, lãi suất được điều chỉnh giảm 2 lần liên tục. Thu NSNN quý I đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Tính chung quý I, xuất siêu đạt 4,07 tỷ USD; xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn gạo, trị giá 0,95 tỷ USD, tăng 19,3% về lượng và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi nhanh, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ với tổng vốn đạt 3,4 tỷ USD (bằng cùng kỳ năm 2022); tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ… DN thành lập mới tháng 3 tăng cả 3 tiêu chí so với tháng 2, bao gồm: Số DN (60,9%), vốn (122,2%), số lao động (81,4%); quý I có 57.000 DN thành lập mới và hoạt động trở lại.

Văn hóa-xã hội được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm. Kinh phí trợ giúp Tết trên toàn quốc là 9.500 tỷ đồng; hỗ trợ 18.300 tấn gạo cho gần 205.000 hộ với 1,2 triệu nhân khẩu. Dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt. Các hoạt động lễ hội diễn ra sôi động, giảm dần các mặt tiêu cực. Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.

Tháo gỡ các vướng mắc về mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế đã cơ bản tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế. Từ đây, hoạt động của các BV cơ bản đã trở lại bình thường. Mặt khác, nhiều vấn đề liên quan thanh toán chi phí KCB, BHYT, tiếp nhận các trang thiết bị, vật tư được hiến tặng… cũng đã được giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến nay, BV Việt Đức đã mở lại 5 gói thầu trước đây phải dừng, BV Bạch Mai vừa mở được gói thầu trị giá 200 tỷ đồng. Hoạt động của các BV tại Khánh Hòa, Quảng Ninh, TP.HCM… cũng đã được đảm bảo tích cực hơn. Cuối tuần qua, Bộ Y tế cũng đã tiến hành gia hạn đợt 3 giấy phép lưu hành thuốc; đến nay đã có 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng cho hay, thành phố vừa hoàn thành việc mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế trị giá 1.481 tỷ đồng và các BV cũng cơ bản thực hiện được việc mua sắm; các khó khăn nhìn chung được giải quyết.

Hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, không để lãng phí thời gian

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá tình hình kinh tế-xã hội quý I nhìn chung có xu hướng tích cực, đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Dù vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế như: Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng tưởng chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, lạm phát cơ bản quý I tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động tình hình trong nước. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng sụt giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn. Thị trường bất động sản, trái phiếu DN cần các biện pháp xử lý tích cực hơn. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS...

Nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, quyết tâm cao hơn, sáng tạo hơn; nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt không để lãng phí thời gian, chủ động, kịp thời giải quyết công việc. Trong mọi trường hợp phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, tạo sinh kế cho người dân. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí DN; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn pháp lý; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng chiến lược. Nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, không trông chờ, ỷ lại, không để địa phương phải đi lại nhiều mà không được việc.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm đời sống của nhân dân; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan, không để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng KCB cho người dân.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ KH-ĐT về việc các địa phương thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời hỗ trợ ngươi dân, DN, nhà đầu tư, các dự án. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chăm lo đời sống nhân dân và tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất kinh doanh.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn